Nhiều sản phẩm du lịch năm nào cũng được đăng ký và không làm được, nhưng tiếp tục được đăng ký, trong khi nhiều sản phẩm mới lại không hấp dẫn.
Hiện đã có tàu du lịch chạy thông tuyến vịnh Hạ Long – Bái Tử Long nhưng tàu không ghé vào đâu được vì chưa có điểm, bến dừng chân. Ảnh: Nguyễn Hùng
Đến thời điểm này, hầu hết những sản phẩm du lịch liên quan đến vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mà các đơn vị, địa phương đăng ký mở ra trong năm 2024 để phục vụ du khách chắc chắn lại lỡ hẹn.
Năm 2023, những sản phẩm đó cũng đã lỡ hẹn vì lý do chưa có quy hoạch mới về vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, còn quy hoạch cũ đã hết hạn.
Năm 2024, lý do không thể mở được các sản phẩm đó cũng là… chưa có quy hoạch mới về vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Trong khi đó, quy trình, thủ tục để xây dựng một bản quy hoạch phải mất vài năm, nhưng năm nào các địa phương, ban ngành cũng đăng ký mở những sản phẩm mới liên quan đến vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long để phục vụ du khách.
Câu hỏi đặt ra là tại sao biết chưa có quy hoạch mới và sẽ mất rất nhiều thời gian để làm quy hoạch, nhưng năm nào các đơn vị cũng đề xuất xây dựng những sản phẩm đó?
Theo những người làm du lịch và đại diện một số cơ quan chuyên môn, những sản phẩm du lịch không liên quan đến xây dựng hạ tầng không nhất thiết phải có quy hoạch. Ví dụ như trải nghiệm câu cá, chèo kayak, đua thuyền rồng, đua thuyền buồm, thậm chí cả mở bãi tắm giữa vịnh – vì ở những bãi tắm này không cần phải xây dựng cầu cảng, nhà tắm tráng… Những sản phẩm này trước đây đã từng được doanh nghiệp mở thử nghiệm và rất thành công.
“Nếu vẫn cứ căn cứ vào lý do chưa có quy hoạch mới nên không mở được thì không nên đăng ký nữa vì như thế năm nào cũng thất hứa với du khách” – chị Lê Minh Nguyệt – đại diện một công ty lữ hành – chia sẻ.
Một nhóm những người yêu thích môn đua thuyền buồm xin mở sản phẩm du lịch đua thuyền buồm trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa được. Ảnh: Nguyễn Hùng
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện, Bộ VHTTDL đang trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; qua bước này mới tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết và trình phê duyệt.
Như vậy, để có bản quy hoạch mới, dự kiến sẽ phải mất vài năm nữa.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 11.2024, có 41/67 sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác. 10/67 sản phẩm đang hoàn thiện và dự kiến đưa vào khai thác trong tháng cuối năm này.
Các sản phẩm còn lại hoặc không mở được hoặc đang được hoàn thiện thủ tục pháp lý, đề nghị được chuyển sang năm 2025.
Tuy nhiên, theo du khách và các công ty lữ hành, phần lớn các sản phẩm mới đều chưa thực sự hấp dẫn, một phần bởi lý do huyện, thị, thành phố nào cũng phải đăng ký mở sản phẩm du lịch mới, kể cả những địa phương không có thế mạnh về du lịch hoặc chọn những sản phẩm dễ làm, ví dụ như phố đi bộ.
Thực hiện điều chỉnh, bổ sung số lượng sản phẩm du lịch mới trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 6.8.2024, Quảng Ninh dự kiến phát triển 67 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong năm 2024.
Trong đó, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long 11 sản phẩm; TP Hạ Long 14 sản phẩm, Đông Triều 3 sản phẩm, Uông Bí 2 sản phẩm, Cẩm Phả 1 sản phẩm, Vân Đồn 14 sản phẩm, Cô Tô 7 sản phẩm, Tiên Yên 1 sản phẩm, Ba Chẽ 2 sản phẩm, Bình Liêu 2 sản phẩm, Đầm Hà 3 sản phẩm, Hải Hà 3 sản phẩm, Móng Cái 4 sản phẩm.
Đến nay, huyện Vân Đồn dẫn đầu về việc hoàn thành các sản phẩm du lịch mới, nhưng phần lớn các sản phẩm này đều nằm 2 khu nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp mới được đưa vào hoạt động. Các dịch vụ, sản phẩm trong 2 khu nghỉ dưỡng này gồm: chăm sóc sức khỏe, thể thao ngoài trời, bãi biển, tiệc cưới, du lịch MICE… và đều là những sản phẩm mà bất kỳ khu nghỉ dưỡng nào khi xây dựng cũng đều có.
Nguyễn Hùng
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/thay-gi-qua-cach-dang-ky-mo-san-pham-du-lich-o-quang-ninh-1439040.html