Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 24/5, trong phiên làm việc chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Cho ý kiến vào nội dung dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với bố cục, nội dung của dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị, đối với điều 3 “Giải thích từ ngữ”, tại điểm b, khoản 4, Ban soạn thảo cân nhắc phần giải thích về dao vì khi đã đưa vào Luật thì sẽ rất khó cho công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực này. Tại điểm d, Khoản 3 và điểm b, Khoản 11 có giải thích về cụm từ “linh kiện” đối với “vũ khí quân dụng” và “công cụ hỗ trợ”. Tuy nhiên, cụm từ này không được đề cập trong toàn bộ dự thảo Luật, do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về sự cần thiết phải giải thích cụm từ này trong Điều 3 dự thảo Luật.
Tại Điều 7 “Điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, tại khoản 1 đề nghị bổ sung thêm “là vận động viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao trực thuộc Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố”. Đối với Điều 15 “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”, tại khoản 4 quy định “Trường hợp cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để triển lãm, trưng bày, làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thì Bộ trưởng Bộ Công an quyết định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các trường hợp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đối với các trường hợp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng”, Ban soạn thảo nghiên cứu đề nghị phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, quy mô trưng bày vũ khí, vật liệu nổ theo cấp độ.
Đối với Điều 24 “Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự”, tại khoản 1 Điểm b quy định “Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác”. Quy định công cụ và phương tiện khác còn chung chung, dễ gây nhầm lẫn và áp dụng tùy tiện trên thực tế do tính chất, mức độ của việc cho phép nổ súng của người thi hành nhiệm vụ. Do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về công cụ và phương tiện khác trong trường hợp này.
Điều 39 “Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp”, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “có tư cách pháp nhân độc lập” sau cụm từ “pháp luật”. Sửa thành “Được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân độc lập và có đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký ngành, nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp”.
Cho ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng đối với quy định về đối tượng cảnh vệ, Ban soạn thảo cân nhắc việc bố trí cảnh vệ đối với vị trí Thường trực Ban Bí thư. Tại điều 10, khoản 5, khoản 6 quy định về đối tương cảnh vệ có một số nội dung chưa thực sự thống nhất, cần xem xét đảm bảo tính nhất quán của Luật. Tại điều 16 quy định về lực lượng cảnh vệ, cần làm rõ các thuật ngữ.
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu đề nghị đối với việc mở rộng khái niệm về vũ khí, trong đó đối với vũ khí thô sơ cần làm rõ quy định về quản lý gắn với mục đích sử dụng; làm rõ các quy định thế nào là vũ khí thô sơ.
Trước đó, trong phiên làm việc sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).