Đại biểu Nguyễn Văn Công, Tổ đại biểu TX Đông Triều: Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, cử tri và nhân dân rất phấn khởi mặc dù là năm có những khó khăn chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhưng tỉnh ta lập kỳ tích, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), GRDP năm 2023 đạt 11,03%. Công tác chăm lo đời sống, an ninh xã hội được đẩy mạnh, nhất là kết quả nổi bật trong công tác xoá nghèo theo chuẩn Trung ương và xây mới sửa chữa các nhà tạm, dột nát phát sinh trên địa bàn, từ đó, tạo niềm tin, phấn khởi, tự hào trong cử tri, các tầng lớp nhân dân trong không khí kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.
Về nhiệm vụ giải pháp phát triển KTXH năm 2024, tôi tham gia một số ý kiến. Về các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024, tôi thống nhất 12 chỉ tiêu cơ bản nêu trong dự thảo Nghị quyết. Riêng chỉ tiêu nước sạch khu vực nông thôn đạt chuẩn >70%, tôi đề nghị cần có đánh giá hiện trạng và giải pháp cụ thể, địa bàn, số hộ, số công trình cần đầu tư, đánh giá công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư (mô hình đầu tư, mô hình quản lý sau đầu tư).
Đối với các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, tôi đề nghị bổ sung quan tâm đến các cụm công nghiệp ở các địa bàn nhằm hướng tới sự phát triển, tăng trưởng đồng bộ bao trùm; quan tâm hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh; tạo hệ sinh thái, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp địa phương có lợi thế như: Ngành vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, cơ khí. Đồng thời, quan tâm tập trung các giải pháp thực hiện Nghị quyết 155 của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Ngoài quan tâm đến du lịch biển đảo mà trọng tâm là Vịnh Hạ Long, tôi đề nghị cần tiếp tục quan tâm du lịch văn hoá tâm linh, văn hoá trải nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao, đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết sản phẩm du lịch biển với du lịch văn hoá, trải nghiệm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tôi cho rằng cần đẩy mạnh công nghiệp nuôi biển, thu hút đầu tư, biến thách thức thành cơ hội chuẩn hoá ngành nuôi biển.
Tôi đề nghị có các giải pháp quyết liệt khắc phục các tồn tại hạn chế trong nhiều năm về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Bởi trên cơ sở thực tiễn từ cơ sở, tôi nhận thấy một số nguyên nhân gây chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, thi công. Tôi đề xuất giải pháp khắc phục thời gian tới như sau: Nâng cao chất lượng quy hoạch, tôn trọng quy hoạch và định kỳ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; làm tốt công tác dự báo, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, chuẩn bị nguồn lực đầu tư; đối với nguồn lực sẵn có chỉ bố trí vốn đảm bảo đủ điều kiện quy định, ưu tiên bố trí các công trình hoàn thành, chuyển tiếp… tránh vốn chờ công trình, công trình chờ vốn. Tổ chức kỳ họp chuyên đề giải quyết các thủ tục hành chính; thủ tục phê duyệt danh mục dự án thu hồi đất để làm căn cứ đưa vào kế hoạch sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng; thống nhất đánh giá hiện trạng rừng; có giải pháp hướng dẫn chung hoặc quy định khung mức giá trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương áp dụng; có quy hoạch và dự báo sát nhu cầu, đầu tư trước 1 bước; phối hợp chặt chẽ, bố trí nhân lực đảm bảo cả số lượng và chất lượng trong quá trình thực hiện các thủ tục dự án. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp, trong đó, ưu tiên sử dụng nguồn đất đá thải mỏ phục vụ các dự án đầu tư công trên địa bàn, nghiên cứu quy chuẩn hoá chế biến đất san lấp yêu cầu hệ số đầm nén từ nguồn đất đá thải mỏ; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thi công, tổ chức giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu.