5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 13,6%, thấp hơn so với cùng kỳ 17,4%. Trong đó nhiều chủ đầu tư, dự án, công trình có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh và so với cùng kỳ, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tính đến hết tháng 5/2024, có 10/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh (13,6%) và 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh. Ngoại trừ ngân sách trung ương, thì tỷ lệ giải ngân của ngân sách cấp tỉnh và huyện đều thấp hơn bình quân toàn tỉnh và thấp hơn so với cùng kỳ 2023. Nếu tính trong vòng 30 ngày (kể từ cuối 4/2024 đến cuối 5/2024) thì toàn tỉnh chỉ giải ngân tăng thêm được trên 450 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày giải ngân khoảng 15,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư một số địa phương còn chậm, do vậy, hầu hết các dự án khởi công mới đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 6/2024; một số dự án giao thông do thời gian GPMB kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn, như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338) – Giai đoạn 1; hệ thống đường ống cấp nước Hồ Khe Giữa; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1).
Cùng với đó, nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng khan hiếm. 3 mỏ đất miền Tây của tỉnh đã được cấp phép, nhằm cung cấp K95, K98 cho các dự án tại Quảng Yên, Uông Bí, tuy nhiên nguồn đất san lấp ở mỏ Bắc Sơn (Uông Bí) và Công viên nghĩa trang Quảng Yên lẫn nhiều đá (tỷ lệ đá khoảng 79% và đất là 21%) phải chọn lọc mất nhiều thời gian. Giá vật liệu san lấp mua thực tế và giá ký hợp đồng có sự chênh lệch gây khó khăn cho các đơn vị trúng thầu. Thủ tục cấp phép các mỏ đất có nhiều bước, mất nhiều thời gian, trong khi đó các chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương chưa chủ động phối hợp từ sớm, chỉ đến khi thi công dự án mới triển khai đã ảnh hưởng đến phương án điều phối đất, đá và làm tăng chi phí mua và vận chuyển đất gây khó khăn cho nhà thầu, làm chậm tiến độ dự án.
Mặc dù những khó khăn này đã được xác định từ nhiều năm nay nhưng hiện công tác này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy, công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ; cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức (trong đó có cả lãnh đạo quản lý) trong quá trình thực thi nhiệm vụ; chất lượng cán bộ, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị còn hạn chế; năng lực, trình độ của một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn yếu, dẫn đến cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đánh giá hiệu quả thực hiện hàng tuần/tháng/quý và cả năm 2024; đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân; chủ động triển khai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, hiệu quả đúng quy định. Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của đơn vị và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thành Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong ngắn hạn, các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục để sớm cung cấp đất, đá san lấp tại các mỏ Bắc Sơn (tại thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều), mỏ Trưng Vương (phường Nam Khê, TP Uông Bí); sớm hoàn thiện các thủ tục tại mỏ Đức Sơn (phường Yên Đức, TX Đông Triều) và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các mỏ đất còn lại (mỏ đất Thủy An, TX Đông Triều), mỏ trúng đấu giá của Công ty TNHH Nhân Đạt Tiến (phường Nam Khê, TP Uông Bí) và mỏ cát Hải Tiến (TP Móng Cái).
Các đơn vị nhà thầu cũng cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công triển khai các công việc trên hiện trường, đảm bảo hoàn thành đúng và vượt tiến độ các công trình, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Chủ tịch UBND các địa phương tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, chủ động rà soát, không để xảy ra tình trạng dự án chậm triển khai do vướng mắc liên quan đến các thủ tục về quy hoạch xây dựng, đất đai; thực hiện đồng bộ các thủ tục pháp lý liên quan khi thu hồi đất, GPMB, giải quyết chính sách, bố trí tái định cư.