Ngay sau phiên khai mạc, Hội thảo khoa học “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tiếp tục diễn ra với các phiên tham luận, thảo luận và bế mạc hội thảo. Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chủ trì hội thảo.
Bước vào phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận, trao đổi thảo luận bàn tròn về 6 nhóm vấn đề chính gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; Đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Đánh giá hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; Đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; Tổ chức bộ máy và nhân sự.
Cụ thể, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung đánh giá về hệ thống thể chế, chính sách về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay; quy hoạch xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã được phê duyệt, ban hành trong thời gian vừa qua và việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đó; tình hình thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển thiết chế văn hóa; việc tổ chức quản lý, đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Nhiều đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở hiện nay; huy động các nguồn lực để xây dựng, kiện toàn hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ về công tác xã hội hóa trong xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở địa phương. Theo đó, cùng với việc kịp thời ban hành các văn bản nhằm khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư; chủ động kêu gọi đầu tư, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn; tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”…
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân; từng bước tạo ra sự cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
Trên cơ sở nhận diện thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, nhiều giải pháp được các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đưa ra. Trong đó, có đề xuất phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để có một hành lang pháp lý tối ưu nhất, đảm bảo được tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả trong phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay; ban hành quy định về các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Đồng thời, có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao.
Mặt khác, các đại biểu đề nghị cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; có cơ chế khuyến khích cộng đồng giám sát, tham gia quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Nhiều giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công – tư (PPP) trong quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; giải pháp tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… cũng được đưa ra và thảo luận tại hội thảo.
Bế mạc hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, khẳng định: Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cao, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết, tham luận của các cơ quan trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Hội thảo ghi nhận sự góp mặt của hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Các ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn cao; nội dung trao đổi toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Tổng kết một số vấn đề cốt lõi tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Hội thảo ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, Hội thảo đã thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung các nhóm vấn đề: Về hoàn thiện thể chế, chính sách; về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao; về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; về ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Trong đó, tăng dần mức chi ngân sách Nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng; thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư; coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Hội thảo đã cung cấp thêm các căn cứ chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sắp tới. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung Hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan.