Từ đầu năm đến nay, có 3 lô hàng thanh long xuất khẩu sang Pháp, Hà Lan bị cảnh báo vì dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.
Trao đổi với PV ngày 14/2, ông Ngô Xuân Nam – phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết trong vòng hơn 40 ngày đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) gửi tới 12 cảnh báo do các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vi phạm các quy định an toàn thực phẩm của thị trường này.
Trong đó có 3 cảnh báo liên quan đến trái thanh long, do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.
Theo đó, 3 lô hàng thanh long của 3 công ty ở Tiền Giang và TP.HCM bị cảnh báo do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng.
Cụ thể, Pyraclostrobin vượt 0,050±0,025mg/kg, Dithiocarbamates vượt 0,15mg/kg, Forchlorfenuron vượt 0,023±0,012mg/kg, Propiconazole vượt 0,029±0,015mg/kg, Thiamethoxam vượt 0,10±0,05mg/kg, Dithiocarbamates vượt 1,2± 0,60mg/kg. Trong khi quy định dư lượng tối đa cho phép chỉ từ 0,01 đến 0,05mg/kg.
3 lô hàng thanh long này bị EU trả lại, tiêu hủy và niêm phong tại hải quan để xử lý.
Theo ông Ngô Xuân Nam, hiện nay thanh long Việt Nam đang bị EU áp tần suất kiểm tra 30% tại cửa khẩu, kèm theo đó các lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng thư kết quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu.
“Theo quy định, cứ 6 tháng EU sẽ họp một lần để xem xét vi phạm an toàn thực phẩm của các nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Trong vòng hơn 1 tháng qua, trái thanh long đã có 3 cảnh báo.
Thời gian tới, nếu không kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của EU, mà họ tiếp tục phát hiện thêm các vi phạm thì trái thanh long có nguy cơ bị tăng tần suất kiểm tra lên 50% là rất cao” – ông Nam nói.
Ông Nam cũng khuyến cáo các vùng trồng, vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cũng phải có giải pháp để kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu vì dư lượng tối đa cho phép rất thấp, hầu hết là không quá 0,01mg/kg. Các địa phương có vùng trồng thanh long cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc này.
Lý giải về việc vì sao các lô hàng thanh long trước khi xuất khẩu đã có giấy chứng thư kết quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu nhưng khi EU kiểm tra vẫn phát hiện nhiều vi phạm, ông Nam cho biết kết quả lấy mẫu chỉ có giá trị trên mẫu phân tích, trong khi EU họ lấy mẫu ngẫu nhiên.
Nguyên nhân sai khác có thể do trong quá trình thu mua thanh long, doanh nghiệp mua từ nhiều vùng nguyên liệu, trong đó có vùng trồng không kiểm soát tốt dư lượng thuốc trừ sâu nên ảnh hưởng tới cả lô hàng.
“Nếu thanh long lấy từ vùng nguyên liệu kiểm soát tốt về an toàn thực phẩm, về sử dụng thuốc trừ sâu thì khả năng sai khác kết quả sẽ rất thấp, còn nếu một lô hàng được thu mua từ nhiều vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp phải đảm bảo lấy mẫu khách quan để đảm bảo kết quả kiểm tra lại cũng khách quan” – ông Nam khuyến cáo.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2024 Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Trong đó mặt hàng thanh long có 7 cảnh báo đều liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó còn có nhiều lô hàng sầu riêng, ớt cũng bị cảnh báo do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Hiện EU đang áp dụng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20% đối với trái sầu riêng, 30% đối với thanh long, còn ớt và đậu bắp cùng chịu tần suất 50%. Ngoài ra thanh long, ớt, đậu bắp trước khi xuất khẩu vào EU phải kèm theo giấy chứng thư kết quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu.
|