Ca sĩ Thanh Lam, diễn viên Xuân Bắc trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định ngày 28/11, các nghệ sĩ dự kiến nhận danh hiệu trong buổi lễ tổ chức vào năm sau.
Thanh Lam đạt danh hiệu sau một lần trượt vì hồ sơ không đủ điều kiện. Năm 2018, mẹ chị – nghệ sĩ Thanh Hương – từng làm hồ sơ cho con nhưng khi ấy, Thanh Lam không đạt đủ số phiếu bầu của Hội đồng cấp Bộ, đồng thời thiếu huy chương.
Ca sĩ nói hạnh phúc khi biết tin nhận danh hiệu, tri ân sự vinh danh của Nhà nước, các cô chú, anh chị đồng nghiệp và tình cảm của khán giả dành cho chị suốt mấy chục năm theo nghề hát.
Xuân Bắc nằm trong số những nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu được vinh danh. Ngoài hoạt động nghệ thuật, diễn viên hiện giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Xuân Bắc từng nằm trong danh sách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ chín, năm 2018, nhưng tự xin rút hồ sơ vì lý do cá nhân.
Diễn viên từng nói: “Đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trong đời làm nghệ thuật của tôi. Nếu ai đó quan niệm làm nghệ thuật để được vinh danh, để “săn’ giải thưởng, để đạt danh hiệu, những người đó cần phải xem lại”.
Ở lĩnh vực âm nhạc, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân còn được trao cho ca sĩ Tấn Minh, Phạm Phương Thảo. Còn một số gương mặt quen thuộc được vinh danh trong mảng sân khấu là nghệ sĩ Trịnh Kim Chi (Hội Sân khấu TP HCM), Mỹ Uyên (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, TP HCM).
Danh sách đợt đầu tiên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố gồm 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 154 cá nhân được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Trong danh sách Nghệ sĩ Ưu tú có diễn viên Bạch Long (Sân khấu kịch Idecaf, TP HCM), diễn viên Lê Mai, Kim Xuyến (Nhà hát Kịch Hà Nội), diễn viên Nguyệt Hằng (Nhà hát Tuổi trẻ). Đây chưa phải danh sách cuối cùng vì Chủ tịch nước còn ký quyết định thêm một số nghệ sĩ khác.
Theo Nghị định mới ban hành hôm 31/3, các trường hợp thiếu huy chương vẫn được vào danh sách xét duyệt gồm: Nghệ sĩ cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoặc nghệ sĩ là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải cao tại quốc tế.
Các nghệ sĩ nằm trong đợt xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10. Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu được lập năm ngoái, dự kiến trao tặng vào năm sau.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức các đợt xét duyệt năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015, 2019. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Nhiều năm nay, giới nghệ sĩ nhiều lần muốn thay đổi quy trình xét danh hiệu như: bỏ việc xét tặng theo huy chương, bỏ việc các nghệ sĩ phải tự làm hồ sơ xin xét duyệt. Nhiều trường hợp từng trượt ở các vòng cơ sở, sau đó được xét bổ sung như nghệ sĩ Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn.