Hãng thông tấn Bloomberg cho rằng, tín hiệu tích cực trong tăng trưởng của một quý không đủ để kết luận rằng đã hết những nguy cơ kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt 5,33%, nâng mức tăng trưởng GDP 9 tháng qua lên 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, các định chế tài chính toàn cầu nhận định: “Cầu nước ngoài sụt giảm sẽ tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”. Sự phục hồi kinh tế trong nước dự báo có thể chững lại do các thách thức từ kinh tế thế giới.
Theo Hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei, tình hình vẫn chưa được khả quan khi nhu cầu đặt hàng giảm ở các thị trường truyền thống như châu Âu và Hoa Kỳ. Còn hãng thông tấn Bloomberg cho rằng, tín hiệu tích cực trong tăng trưởng của một quý không đủ để kết luận rằng đã hết những nguy cơ kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá: “Chỉ số lạm phát đang ở mức cao tại các nước vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Để kiểm soát tình hình, các quốc gia này đang giữ lãi suất ở mức khá cao và điều đó cản trở nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam”.
Ông Nakajima Takeo – Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định: “Nhìn chung, kết quả kinh tế quý III cho thấy tình hình hiện không tệ nhưng cũng không tốt và nền kinh tế đã vượt đáy, bắt đầu tăng trưởng trở lại nhưng tốc độ tăng chưa cao”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao những ứng phó của Việt Nam để duy trì ổn định tài chính – vĩ mô trước những sức ép từ bất ổn toàn cầu. Tuy nhiên, IMF khuyến nghị cần bảo vệ sự ổn định tài chính – vĩ mô.
“Trước những sức ép ngày càng gia tăng từ những bất ổn của kinh tế thế giới, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công và chi tiêu công. Đầu tư công sẽ dẫn dắt tăng trưởng và gia tăng sức chống chịu của toàn nền kinh tế thông qua việc tháo gỡ các nút thắt về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông và điểm nghẽn về logistics của toàn nền kinh tế”, ông Raymond Mallon – chuyên gia kinh tế Australia khuyến nghị.
IMF cũng khuyến cáo, hiện không có nhiều dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Vì vậy, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần thiết.
Giáo sư David Dapice – Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Chương trình Việt Nam và Myanmar, Trung tâm Ash, Đại học Harvard đánh giá: “Nói đến tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD thì đồng Việt Nam không mất giá nhiều, tỷ lệ trượt giá thấp hơn nhiều so với nhiều đối tác thương mại khác. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, Việt Nam cần nới lỏng một chút về chính sách tiền tệ. Việt Nam nên tiếp tục các chính sách tài khoá nhằm ổn định kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp và sản xuất”.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam gợi ý để tiếp tục thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư năm nay, Việt Nam có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Kế đó, đa dạng hóa sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước những cú sốc bên ngoài.