Từng có nguy cơ cạn kiệt, nhưng nhờ huyện Cô Tô sớm quan tâm gìn giữ, lại được chăm sóc bởi các nghệ nhân, đến nay, cây tùng Cô Tô đã trở thành những báu vật, có cây giá trị tới tỷ đồng mang thương hiệu đảo ngọc Cô Tô.
Ông chủ của vườn tùng tiền tỷ
Ghé thăm đảo ngọc Cô Tô trung tuần tháng 4 vừa qua, tôi được mời tham dự một triển lãm sinh vật cảnh. Điều làm tôi vô cùng bất ngờ là giống cây mà người dân địa phương trồng, thường gọi là cây rù rì hay vạn niên tùng lại có vẻ đẹp độc đáo và có giá trị kinh tế lớn vậy. “Tùng ở đây tuy đẹp nhưng chưa là gì so với những tác phẩm đệ nhất, giá hàng tỷ đồng ở vườn Cô Tô đệ nhất tùng trên đảo” – lời giới thiệu của chủ buổi triển lãm thôi thúc trí tò mò của tôi muốn tìm hiểu vườn tùng này.
Sớm hôm sau, trong cái gió mát nắng nhẹ đầu hè, tôi được anh bạn quen tên Tùng, là người đam mê tùng Cô Tô dẫn vào tham quan vườn. Bước vào vườn, chúng tôi choáng ngợp trước vườn tùng với khuôn viên rộng chừng cả ngàn mét vuông của ông Hoàng Thiện Phao tại mặt đường khu 2, thị trấn Cô Tô. Khu vườn rộng với hàng chục loại cây cảnh lạ, đẹp mắt, trong đó có vô số cây tùng cổ, to lớn, có dáng thế đẹp. Anh Tùng bảo chúng tôi rất may khi gặp được chủ nhân của vườn, đúng lúc ông Phao đang chăm bón vườn cây cảnh sáng sớm.
Ông Phao dáng cao dỏng. Dù tuổi cao, tóc bạc trắng nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, giọng sang sảng. Đang tháo nước chảy tràn mặt vườn, vừa tỉ mỉ chăm sóc những gốc tùng lớn, ông bảo: Tuần vài lần tôi phải tháo nước làm mát vườn tùng, tưới tắm như chăm con nhưng phải thoát nước, tránh úng. Tùng là giống bản địa quý hiếm, được coi là mang tới sự phồn thịnh cho gia chủ vì sức sống bền bỉ, khả năng chịu đựng mọi thời tiết và luôn xanh tươi. Điều này còn biểu hiện cho sự phát triển liên tục, vượt qua mọi khó khăn, tạo ra sự thịnh vượng cho cuộc sống.
Theo ông Phao, với người dân Cô Tô và nhiều tuyến đảo, tùng luôn là biểu tượng của sự can trường, bền bỉ, bất khuất với thời gian, với thời tiết khắc nghiệt, nắng gió bão của đảo tiền tiêu Cô Tô. Sinh trưởng ở môi trường đó, để chăm bón, uốn nắn, tạo dáng thế cho tùng Cô Tô lại không hề đơn giản. Có lẽ vì thế mà giá trị của nó vô cùng lớn, trở thành biểu tượng của đảo.
Vừa làm, ông Phao vừa dẫn và giới thiệu cho chúng tôi cây tùng quý, được coi như “vị vua” của vườn. Đó là cây tùng cao chừng 3m, tán rộng, thân đỏ au, xù xì, gân guốc, lá xanh mướt, tầng lớp. Rễ cây một phần ngoằn ngoèo lộ trên mặt đất. Ông Phao kể: Rời vùng Hải Hậu (Nam Định) ra đảo làm kinh tế, nhiều khi tôi muốn về nhưng cái duyên với hòn đảo này cứ níu chân tôi suốt hai thập kỉ qua. Tôi đã coi Cô Tô là nhà, là quê hương thứ hai của mình.
“Tôi để ý cây tùng từ năm 2008 bởi thấy đây là giống cây bản địa đẹp, quý, có sức sống bền bỉ. Có một thực tế đã từng xảy ra với cây tùng Cô Tô khi bị khai thác quá đà. Có thời điểm giống cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tôi cùng những người yêu giống này mua lại với mong muốn giữ lại chúng, vừa để thỏa mãn đam mê chăm sóc mong hồi sinh giống quý trên đảo”- ông Phao chia sẻ.
Vốn là dân chăm cây có nghề, ông Phao cùng nhiều người quyết tìm hiểu, nghiên cứu cách hồi sinh giống cây quý của đảo. Có lẽ, quãng thời gian gắn bó với đảo, niềm vui nỗi buồn của ông đặt lên hết ở những gốc cây lâu niên. Giọng ông bỗng trầm buồn xen lẫn niềm vui, cảm xúc khi kể về nạn “chảy máu”, những lần thành công, thất bại cứu những gốc tùng quý hiếm.
Ông Phao chỉ về gốc tùng cổ phía xa, kể lại quá trình chăm sóc đầy kì công của bản thân. “Những cây tùng cổ thân to hiện nay rất hiếm. Đây là giống tùng quý, tán lá nhỏ, nhưng sức bền tốt được nhiều dân sành chơi tùng trong và ngoài nước yêu thích, sưu tầm. Vì thế, tôi cũng có niềm tin rồi liên tục trong 3 năm cây tùng dần mọc rễ mới, hồi sinh trong niềm vui vô bờ”.
Gắn bó với Cô Tô, với niềm đam mê sưu tập, giữ “hương sắc” cho đảo tới nay, ông Phao đã có vườn cảnh nghìn cây trong đó có hàng trăm cây tùng Cô Tô các loại và nhiều loại cây cảnh khác. Quả thật, ngắm vườn tùng, nâng chén trà giữa màu xanh ngát, dân “ngoại đạo” như tôi cũng có cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị của niềm đam mê.
Anh bạn đi cùng tôi khẳng định: Những cây tùng cổ, thân to hiện nay rất hiếm, đặc biệt những cây tùng gốc ở đảo lâu niên lại càng hiếm. Trong đất liền thú chơi tùng đã có từ lâu, nhưng không thể sưu tầm được giống tùng độc đáo lại cổ và dáng vẻ như vậy. Có lẽ vì thế mà có thợ chơi chuyên nghiệp từng trả ngót cả chục tỷ mà ông Phao chưa để tâm.
Tạo dựng những vườn cảnh tiên
Tùng Cô Tô, đặc biệt các cây tùng la hán cổ, lâu niên là giống quý hiếm nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn. Chính vì thế, có giai đoạn ông Phao cùng nhiều người yêu chơi tùng Cô Tô đã phải đi sưu tầm thêm tùng ở những địa phương khác như Hải Hà, Tiên Yên để về trồng.
Để có nguồn gen tốt và tính bước dài hơn, ông Phao cũng truyền nghề cho con trai, cũng như nghiên cứu cách nhân giống tùng Cô Tô từ ươm cây từ quả. Chung niềm đam mê với giống tùng quý này mà anh Nguyễn Văn Hưng (Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Cô Tô) cũng đã vận động thành lập hội nhóm những người yêu tùng Cô Tô. Việc ra đời hội nhóm hoạt động có quy củ đã góp phần hoàn thiện những chương trình, hành động bảo vệ nguồn giống quý có hiệu quả, quy mô và khoa học hơn.
Theo tìm hiểu, hội viên ở Hội tùng Cô Tô đến nay có hơn 30 thành viên. Số lượng vườn tùng do hội viên gây dựng lên đến cả ngàn cây. Anh Hưng cho biết: “Trước sự khan hiếm của loài cây quý, công việc cấp bách cần triển khai thời gian tới là hoàn thiện quy trình nhân giống cây bản địa. Hiện tại có không ít nhà vườn ươm trồng thành công 5.000 – 10.000 cây giống.
Dự kiến, trong vòng 10 – 20 năm tới, số lượng cây tùng trưởng thành đủ cung ứng ra thị trường. Cùng với đó, chúng tôi đang có kế hoạch tạo thương hiệu, hình thành sản phẩm quà lưu niệm cho du khách sau mỗi chuyến tham quan Cô Tô. Những cây tùng có thể thành món quà ý nghĩa sau hành trình du lịch hấp dẫn tại đảo ngọc Cô Tô”.
Hướng tới phát triển bền vững, ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ thêm: Huyện đã quan tâm phê duyệt các dự án bảo tồn, phát triển tùng Cô Tô. Bởi ở vùng đất Quảng Ninh, tùng đa số được mọc tự nhiên trong rừng và phân bố chủ yếu ở một số đảo như Vườn quốc gia Bái Tử Long, ở đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân, đảo Trần… Cây được xếp vào hàng cây cảnh quý hiếm, được nhiều người ưa chuộng và trồng ở các nơi như công viên, đình chùa, khuôn viên các công trình văn hóa, công sở, sân vườn, biệt thự. Cây có tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất.
Theo ông Hiển, huyện Cô Tô đã phê duyệt thực hiện dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cây tùng Cô Tô, trong đó, đã ban hành các văn bản quy định về nhãn hiệu chứng nhận cây tùng Cô Tô như: Bộ tiêu chí, quy chế, logo, bộ nhận diện, hệ thống công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận tùng Cô Tô… Nay cây tùng Cô Tô đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Cùng với đó, huyện Cô Tô cũng đã xây dựng và xã hội hóa nguồn cây để tạo lên một công viên tùng Cô Tô tuyệt đẹp giữa huyện đảo. Công viên có hàng trăm cây tùng quý, cổ thụ, đẹp, nhiều tư thế, được tô điểm bởi thảm cỏ xanh, ẩn hiện những phiến đá lũa, cây cổ thụ bóng mát, cây ăn quả, những cụm hoa giấy to nở rộ…
Với các biện pháp công nhận, xây dựng thương hiệu, gắn mã quét, tùng Cô Tô đang từng bước được đến với thị trường. Đây là cách thức bảo vệ và phát huy giá trị mà loài cây này mang lại. Xây dựng thương hiệu cho từng cây tùng tại đây chính là biện pháp hữu hiệu để bảo tồn tùng Cô Tô, thắt chặt yếu tố quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên rừng.
Bằng rất nhiều việc làm thiết thực của tổ chức, cá nhân mà những nhành tùng Cô Tô vẫn xanh mát giữa vùng biển đảo thiêng liêng. Vượt xa những giá trị hiện có, giống cây quý này đang bước đầu thành sản phẩm lưu niệm độc đáo riêng có tại Cô Tô.