Ngay từ giữa tháng Chạp, khi những cành đào đua nhau khoe sắc tô điểm thêm cho các bản làng cũng là thời điểm nhà nhà của bà con người Dao trên địa bàn huyện Bình Liêu rộn ràng đón Tết sớm. Đây là một phong tục, một nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng còn được đồng bào Dao trên địa bàn huyện lưu truyền đến ngày nay.
Theo phong tục, Tết sớm cả người Dao được tổ chức bắt đầu từ nhà trưởng họ (nhà tổ) rồi mới về từng nhà riêng tổ chức sum vầy. Từ rằm tháng Chạp trở đi, tùy theo dòng họ sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ – nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao. Ngày tổ chức được thông báo tới các gia đình trong dòng họ. Mỗi gia đình khi đến ăn Tết sớm sẽ mang theo lễ vật (gà, thịt lợn, rượu, gạo nếp, hương, giấy vàng…) đến góp (hoặc góp tiền) để cùng nhau tổ chức đón Tết. Mâm cỗ cúng của đồng bào dân tộc Dao rất đơn giản, là những nông sản bình dị mà nhà nuôi, trồng được: gà, thịt lợn, bánh chưng, rau xào, cơm,…
Cũng giống như bà con Dao Thanh Phán, từ rằm tháng Chạp trở đi, các dòng học dân tộc Dao Thanh Y trên địa bàn huyện Bình Liêu lại tất bật các công đoạn dọn dẹp nhà cửa và gọi anh em, bạn bè đến giúp các nhà tổ thịt lợn, thịt gà, gói bánh,… để cùng dòng họ đón Tết sớm.
Bên bếp lửa hồng, những người dân bản Dao ở Bình Liêu lại cùng nhau quây quần bên mâm cỗ Tết ấm tình đoàn kết, đượm nồng hương sắc của mùa xuân. Họ gửi gắm không chỉ là những mong ước đầu xuân mới, hy vọng về cuộc sống đổi thay sung túc, tiến bộ hơn mà còn chứa đựng cả tình yêu, niềm trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống quê hương.
Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)