Sáng nay (9/7), ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, 5 tổ thảo luận đã tập trung trí tuệ bàn thảo, cho ý kiến vào các mục tiêu phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2024; làm rõ nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết để thống nhất ban hành, sớm đi vào cuộc sống.
Đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH
Phát triển KT-XH những tháng cuối năm là nội dung được đông đảo đại biểu HĐND tỉnh cùng các đại biểu tham dự Kỳ họp quan tâm thảo luận tại tổ. Các đại biểu thống nhất đánh giá: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 9,02%, đứng thứ 8 cả nước; thu hút FDI đạt 1,55 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước; trong bối cảnh thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 21% chỉ tiêu Trung ương giao nhưng tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn đạt 29.130 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương giao, bằng 101% cùng kỳ 2023, là nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, các địa phương.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa đồng đều ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt như kỳ vọng… Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại được các đại biểu chỉ ra.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, Tổ thảo luận số 2: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm một phần là do quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong khi đó đội ngũ cán bộ chuyên môn ở cấp cơ sở lại thiếu và yếu, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Các doanh nghiệp ở địa phương chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có những khó khăn nhất định về vốn, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp chưa thích ứng được sự phát triển mới.
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2024, nhất là giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; phấn đấu tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tạo ra khoảng 30.000 việc làm tăng thêm…, các đại biểu thống nhất đề nghị: UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là tính pháp lý trong thu tiền sử dụng đất năm 2024; các địa phương rà soát, tăng thu tiền đất từ cấp quyền sử dụng đất, thu tiền tái định cư; chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện triển khai các đề án; nghiên cứu các cơ chế chính sách, điều kiện thu hút giáo viên về công tác tại miền núi, biên giới, hải đảo; chỉ đạo hoàn thành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa; có các giải pháp về giảm nghèo bền vững; quan tâm hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi; trên cơ sở rà soát kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm thì có giải pháp giao tăng thu cho các địa phương đã hoàn thành và có kết quả thu cao.
Đại biểu Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ đại biểu TP Móng Cái, tham gia thảo luận Tổ thảo luận số 4, khẳng định: Để đảm bảo kế hoạch phát triển KT-XH đề ra, giải pháp trước mắt là điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng. Trong đó, tập trung vào 3 trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch và giải ngân vốn đầu tư công. Các giải pháp tập trung là thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn; gia tăng các dịch vụ, mở thêm các tour, tuyến du lịch thu hút du khách; khai thác tối đa các lợi thế du lịch biển đảo. Về giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương tập trung thực hiện theo đúng cam kết với UBND tỉnh về tiến độ giải ngân và khai thác triệt để nguồn thu trên địa bàn.
Đồng tình với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long thảo luận tại Tổ thảo luận số 1, đề nghị: Cần phải xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc mang tính riêng có của tỉnh để thu hút ngày càng đông khách du lịch; có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm du lịch mới vào khai thác, trải nghiệm trong 4 mùa; hoàn thiện, nâng cấp các tour, điểm, tuyến du lịch trong toàn tỉnh; chú trọng phát triển các không gian văn hóa gắn với không gian du lịch, mở rộng liên kết vùng, nội vùng gắn với các trọng điểm du lịch đã có của tỉnh…
Tờ trình, dự thảo nghị quyết bám sát thực tiễn
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản đồng tình với tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp và khẳng định, đây là những chủ trương đúng đắn, phù hợp, sát với thực tiễn địa phương trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, coi trọng chất lượng tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt của người dân.
Đối với dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, các đại biểu đánh giá là sự cần thiết, phù hợp quy hoạch, kế hoạch, quy mô, tổng mức đầu tư. Các dự án này khi được đầu tư sẽ đảm bảo cho mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng mở rộng Bệnh viện Bãi Cháy, dự án xây dựng bổ sung một số hạng mục công trình Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, dự án Trường THCS&THPT Tiên Yên.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và dự thảo Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ, Tổ Đại biểu TP Hạ Long tham gia thảo luận Tổ số 1, nhấn mạnh: Dự thảo 2 nghị quyết thực sự rất cần thiết cần ban hành trong tình hình thực tiễn hiện nay. Bởi theo số liệu thống kê, số lượng giáo viên thiếu của toàn tỉnh khá lớn. Cần quan tâm để có giải pháp thu hút hợp đồng lao động đến làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, vì trên thực tế, mức lương của một giáo viên, nhân viên hợp đồng thấp, không đủ sức hấp dẫn để thu hút cho một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức trong các cơ sở giáo dục hiện nay.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Ninh, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả tham gia thảo luận Tổ số 3, cho rằng: Cần làm rõ cơ sở và tiêu chí đề xuất các khu vực không được phép chăn nuôi. Bởi qua các chuyến khảo sát thực tế cho thấy tại các tiêu chí xác định các khu vực không được phép chăn nuôi vẫn còn chung chung. Thực tế ở TP Cẩm Phả hay TX Đông Triều cho thấy có nhiều phường nhưng là nông thôn trong phường nên nếu những phường này không được phép chăn nuôi thì ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người dân.
Nhiều đại biểu Tổ đại biểu TP Hạ Long cũng chung ý kiến: Cần đánh giá toàn diện, cẩn trọng, kỹ lưỡng các đối tượng chịu sự tác động của chính sách (số lượng người dân bị tác động, ở đâu…) để làm cơ sở ban hành Nghị quyết. Trường hợp chưa có báo cáo đánh giá cụ thể thì đề nghị chưa thông qua nghị quyết tại kỳ này.
Sau phiên thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh nghe các tổ báo cáo tình hình thảo luận tại tổ, nắm những vấn đề còn bất cập để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chủ tọa kỳ họp thông qua các nghị quyết đảm bảo hiệu quả, tính thực thi cao.