2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh quyết định dành gần 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư công phân bổ thực hiện thanh quyết toán, đầu tư các dự án, công trình có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư, UBND các địa phương căn cứ theo kế hoạch phân bổ vốn của tỉnh, nhanh chóng thực hiện giải ngân ngay đầu năm.
Trong gần 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ, trong đó ngân sách trung ương trên 557 tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh gần 9.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 2.400 tỷ đồng. Đến nay, vốn đầu tư công năm 2025 đã được UBND tỉnh và các địa phương phân khai chi tiết đến các dự án, công trình đảm bảo đầu tư tập trung, không phân tán, không dàn trải, tăng hiệu quả sử dụng vốn; đảm bảo quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch.
Thứ tự ưu tiên vốn đầu tư công năm 2025 chủ yếu để thanh quyết toán khối lượng cơ bản đã hoàn thành không để phát sinh nợ XDCB (nếu có); thu hồi vốn ứng; các dự án đã quyết toán, dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt các dự án trọng điểm, dự án động lực có tầm ảnh hưởng lớn.
Theo đó, vốn ngân sách trung ương sẽ ưu tiên phân bổ cho 2 dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giai đoạn 2; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TP Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TP Đông Triều, giai đoạn 1. Vốn ngân sách tỉnh được phân bổ cho thực hiện thanh quyết toán 28 dự án hoàn thành trước năm 2025; 44 dự án chuyển tiếp; 6 dự án khởi công mới và hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối cũng như Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình MTQG. Vốn ngân sách huyện căn cứ theo nhu cầu thực tế, các địa phương chủ động phân bổ, phân khai cho các dự án, công trình.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, trong quá trình triển khai, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn năm 2025 được giao cho các dự án, công trình. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là các địa phương chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện giải ngân; đảm bảo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt, thực hiện nghiêm theo Quy định số 189-QĐ/TW (ngày 8/10/2024) của Ban Chấp hành Trung ương về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” và Công điện 112/CĐ-TTg (ngày 6/11/2024) của Thủ tướng Chính phủ về “Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát”.
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công năm 2025 được giải ngân thuận lợi, thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các địa phương thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác GPMB, thực hiện dự án theo tiến độ từng tháng, quý cho từng dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể theo kế hoạch đã đề ra; đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
Các chủ đầu tư tập trung đôn đốc, giám sát chặt chẽ các dự án, công trình chuyển tiếp, xây dựng phương án thi công phù hợp với điều kiện thực tế, không vì cuối năm và cận Tết giảm số lượng nhân công, giờ làm trên công trường; có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời công nhân, kỹ sư ở lại công trường đón Tết, vui Xuân, thi công xuyên Tết để đảm bảo tiến độ xây dựng, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ngay từ tuần đầu, tháng đầu năm. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công các dự án mới.
Về công tác nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư, UBND các địa phương thực hiện thủ tục thanh toán vốn cho các dự án trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định; không để dồn thanh toán vào cuối năm; quản lý, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, mức vốn tạm ứng, thời hạn thu hồi theo đúng quy định tại Nghị định số 99/NĐ-CP (11/11/2021) của Chính phủ về “Quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công”; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, tất toán theo quy định.