Đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt 26,8% so với kế hoạch. Như vậy, mục tiêu đến ngày 30/9, giải ngân vốn đạt 80% kế hoạch khó có thể đạt. Điều này đặt ra cho các cấp, các ngành cần phải có những giải pháp hết sức tích cực trong những tháng còn lại của năm, phấn đấu đến ngày 31/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất có thể.
Tính đến hết tháng 8/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh của tỉnh là trên 16.000 tỷ đồng, tăng trên 1.700 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Hiện số vốn này đã được phân khai chi tiết gần hết cho các dự án, công trình, chỉ còn khoảng 99 tỷ đồng chưa phân khai, thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong đợi. Tỷ lệ giải ngân vốn đến hết tháng 8/2024, mới đạt 26,8% so với kế hoạch vốn, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (35%). Đến thời điểm này, vẫn còn đến 9/22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các chủ đầu tư có số vốn đầu tư công lớn trong năm, thậm chí có chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 10%, như: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (5,9%); Công an tỉnh (8,4%), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (0%), UBND TP Cẩm Phả (3,4%).
Thống kê cả 3 nguồn vốn (trung ương, tỉnh và huyện) đều có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hiện vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 47,8% kế hoạch; vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 17,5% kế hoạch; vốn ngân sách huyện giải ngân đạt 27% kế hoạch.
Riêng về nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, ngoại trừ nhóm dự án, công trình hoàn thành đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn, còn lại nhóm dự án chuyển tiếp, khởi công mới đều có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, như: 28 dự án chuyển tiếp có tổng số vốn đã bố trí lên đến trên 3.700 tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, mới giải ngân đạt trên 914 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch. Trong đó, có đến 14 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh; một số dự án có kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân rất thấp, như: Tiểu dự án 2 phần xây dựng thuộc dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (Giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh. Còn đối với 16 dự án khởi công mới, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí trên 2.500 tỷ đồng, đến nay, mới giải ngân được trên 110 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch.
Đánh giá một cách tổng thể, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do tính đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công có thủ tục đầu tư kéo dài, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành; công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các luật và nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, Luật Đất đai còn chậm, chưa đồng bộ ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện thủ tục đấu thầu, chuyển mục đích sử dụng rừng của một số dự án; thời tiết mưa nhiều trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2024, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ các dự án nói chung, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp thuộc lĩnh vực giao thông.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Cùng với đó, là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ; trình độ của một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn hạn chế, dẫn đến cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện, công tác nghiệm thu, quyết toán, tất toán các dự án.
Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, sở, ban, ngành cần phải đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở phân bổ vốn tại các kỳ họp trong tháng 9-10/2024 của HĐND tỉnh. Trong trường hợp chưa kịp quyết toán dự án, các chủ đầu tư căn cứ khối lượng hoàn thành, giá trị trình quyết toán làm cơ sở bố trí vốn, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thời điểm này, chuẩn bị bước vào mùa hanh khô, các chủ đầu tư cần rà soát ngay tỷ lệ giải ngân từng dự án, đặc biệt là các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đánh giá lại tiến độ, khả năng giải ngân vốn đến hết năm 2024; có kế hoạch tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, thực hiện thanh, quyết toán theo đúng quy định.