Trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của tỉnh… Nhân dịp triển khai 2 Đề án “Hạ Long – Thành phố của hoa” và “Hạ Long – Thành phố của lễ hội”, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long.
– Thưa ông, việc thực hiện 2 Đề án nói trên hướng đến những mục tiêu gì?
+ Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên các nền tảng, tiềm năng nổi bật, riêng có về “thiên nhiên, văn hoá, con người”, chúng tôi quyết tâm làm sao để có thể khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của thành phố một cách hiệu quả, khoa học, bài bản, biến thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển thành phố nhanh và bền vững.
Hai đề án thể hiện quyết tâm đưa thành phố có những bước phát triển cao hơn, nâng tầm từ mong muốn làm cho thành phố “sạch hơn” đến mục tiêu xây dựng thành phố “đẹp hơn – đặc sắc hơn”; phát huy được các giá trị về thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thân thiện, mến khách của thành phố, kết hợp hài hoà với nâng cấp hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời, xác lập cơ sở quan trọng cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch, dịch vụ của thành phố, thúc đẩy hoạt động du lịch bốn mùa và là sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, tạo sự khác biệt, tăng cạnh tranh giữa các điểm đến, tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
– Thưa ông, nói riêng từng Đề án, xây dựng thành phố của hoa là hướng đến mục tiêu cụ thể như thế nào?
+ Mục tiêu chung là xây dựng thành phố với hệ thống cây xanh đô thị, các loại cây có hoa phù hợp với bốn mùa, có bản sắc riêng, đặc trưng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long – Thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long – Thành phố của lễ hội” để kết hợp tạo thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút khách du lịch đến Hạ Long.
Không chỉ là cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh, cây có hoa tại các công viên, tiểu cảnh, dải phân cách, đảo giao thông, đường, hè phố tạo cảnh quan có hoa bốn mùa mà hướng đến việc hình thành các tuyến đường, tuyến phố có hoa theo các mùa; phát huy tính đa dạng của hệ thống cây xanh đô thị; trong đó, xã hội hóa một phần việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị.
– Còn đối với Đề án “Hạ Long – Thành phố của lễ hội” thì thế nào?
+ Chúng tôi cũng xác định các mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá phi vật thể thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, nhằm xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Trong đó, cần lưu ý một số nội dung như: Duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có, điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm, phục dựng, nâng cấp và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống và tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới.
Đồng thời, thành phố tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thành phố.
– Để đảm bảo các Đề án thực sự đi vào thực tiễn, không nằm trên giấy, thành phố cần làm những gì, thưa ông?
+ Thành phố cần tạo ra được những sản phẩm, những thay đổi mới, diện mạo mới thực sự nhìn thấy được, cảm nhận được và có thể tự hào mỗi khi nhắc đến thành phố của hoa và lễ hội; cần có sự đoàn kết, quyết tâm, hưởng ứng tích cực, cùng chung tay góp sức của mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp. Hai Đề án là định hướng lớn của thành phố từ nay đến hết nhiệm kỳ và thực hiện cho cả nhiệm kỳ tiếp theo, để đưa du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
– Ông mong muốn điều gì sau khi triển khai 2 Đề án này?
+ Tôi mong các phòng, ban, đơn vị, các đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân thành phố nêu cao tinh thần quyết tâm hiện thực hoá các mục tiêu đã xác định trong hai Đề án, tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên những thành quả trong thực hiện hai Đề án để mỗi người dân được thụ hưởng những sản phẩm văn hóa đặc sắc, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần. Mong các mục tiêu, nhiệm vụ được tuyên truyền rộng, thấm sâu tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng chiến lược truyền thông mạnh mẽ để quảng bá tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế, tuyên truyền đến các hiệp hội du lịch các địa phương trong cả nước về thiên nhiên, cảnh sắc và con người Hạ Long; các lễ hội, sự kiện, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có trên địa bàn. Các tour du lịch văn hoá thông qua các lễ hội, sự kiện, huy động sự vào cuộc, tham gia tích cực, có trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong việc chung tay xây dựng, phát triển ngành du lịch, lấy điểm nhấn tạo ấn tượng là các loài cây có hoa được trồng và cho hoa bốn mùa kết hợp cùng các lễ hội tổ chức quanh năm.
– Ông có thể nêu ngắn gọn một số giải pháp cụ thể trước mắt?
+ Chúng tôi vừa tổ chức hội nghị triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện hai Đề án, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo từng giai đoạn, cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, ban, đơn vị, xã, phường, đến tổ dân, khu phố, đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đến từng hộ dân.
Hội nghị nhận được nhiều tham luận của các đơn vị và hưởng ứng của Ủy ban MTTQ thành phố cũng như của đại diện các doanh nghiệp. Đặc biệt, hội nghị đã thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của 2 Đề án thông qua việc ký cam kết thi đua của các cơ quan, đơn vị.
– Còn về căn cơ lâu dài thì sao?
+ Đó là thành phố tiếp tục quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, bản địa, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch các điểm di tích; các dự án, công trình liên quan đến tôn tạo di tích, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, lễ hội. Thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình tạo sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch bền vững như: Mở rộng, tôn tạo Cụm di tích núi Bài Thơ – Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Đền thờ vua Lê Thái Tổ, cải tạo, chỉnh trang tạo điểm nhấn phát triển du lịch khu vực hai bên tuyến đường lên đồi Đặng Bá Hát… Thành phố sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn.
Mỗi xã, phường xây dựng một tuyến đường hoa, mỗi tổ dân, khu phố có một tuyến phố, ngõ phố có hoa đặc trưng. 100% các cơ quan, công sở, trường học, các đơn vị kinh doanh du lịch, thương mại thực hiện trồng hoa theo mùa trong khuôn viên. Mỗi một hộ dân cũng phấn đấu trồng vài cây có hoa. Nếu thực hiện có hiệu quả nội dung này thì chỉ trong thời gian ngắn tới đây, chúng ta sẽ có một thành phố ngập tràn hoa bốn mùa.
Hạ Long sẽ nghiên cứu các điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế ưu tiên lựa chọn giải pháp cây xanh vào công trình kiến trúc để định hình cho kiến trúc đô thị thành phố hướng đến một đô thị xanh trong tương lai. Bố trí, sắp xếp tăng cường không gian xanh và trồng hoa trong các khu vực công cộng; hướng dẫn các tổ chức và cá nhân để thực hiện trồng và chăm sóc hoa, cây xanh có hoa đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, bên cạnh việc trồng, chăm sóc cây xanh, cây có hoa thì chúng ta cần có phương án phòng chống, đảm bảo cho cây có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết cực đoan, sinh trưởng và phát triển tốt.
Đối với lễ hội phải chủ động tích cực trong công tác chuẩn bị, tổ chức các lễ hội theo thẩm quyền, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lễ hội, sự kiện đảm bảo văn minh, thân thiện, bảo vệ môi trường, cảnh quan, phát huy, tôn vinh giá trị các lễ hội.
Việc triển khai Đề án sẽ giúp mỗi người dân Hạ Long cảm thấy tự hào hơn về truyền thống văn hoá, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, cùng chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần; phục vụ đời sống kinh tế, xã hội của người dân, nâng cao vai trò vị thế của Hạ Long trong sự phát triển của tỉnh và của cả nước.
– Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!