Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu của Quảng Ninh trong nhiều năm qua. Việc khai thác, phát huy lợi thế về tài nguyên văn hóa của địa phương, đưa những di sản văn hóa bản địa song hành với ngành du lịch đang là hướng đi hiệu quả, góp phần khẳng định thương hiệu, sức hút riêng của du lịch Quảng Ninh.
Du lịch văn hóa được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Quảng Ninh (gồm du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới), do đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa quý báu, riêng có.
Quảng Ninh có trên 630 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đến nay, đã số hóa toàn diện được 17 di sản văn hóa vật thể, 7 di sản văn hóa phi vật thể; cập nhật, bổ sung thông tin hồ sơ lý lịch của 2 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh và 28 di tích kiểm kê phân loại.
Nhằm góp phần tích cực quảng bá, phát triển du lịch địa phương; lan tỏa những giá trị lịch sử ý nghĩa đến với người dân và du khách, thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện số hóa không gian, bảo vật, hiện vật trưng bày; các đơn vị cấp huyện phối hợp các sở, ngành liên quan đã triển khai gắn mã QR Code được 370/370 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, với việc ứng dụng công nghệ số thiết lập thành hệ thống. Cụ thể, TP Hạ Long số hóa 3D 1 di tích quốc gia đặc biệt và 6 di tích được xếp hạng quốc gia; TP Uông Bí hoàn thiện đề án số hóa truyền thông du lịch thành phố trên các nền tảng số; số hóa 3D quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử; TX Quảng Yên số hóa khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng; TP Đông Triều số hóa không gian khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần…
Cùng với đó, nhiều đơn vị, địa phương chủ động tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo phát huy các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững nói chung. Nổi bật như: TP Hạ Long phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long”, triển khai thực hiện 2 Đề án gồm: “Hạ Long – Thành phố Lễ hội” và “Hạ Long – Thành phố của Hoa”; TP Uông Bí tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí”; huyện Bình Liêu tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh”.
Năm 2024 cũng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hoàn thiện nội dung xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đầu tháng 12 vừa qua, Quảng Ninh có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà; Lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà. Qua đó nâng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 15 di sản.
Ngành văn hóa đã khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học tiếp tục đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 4 di sản của Quảng Ninh, gồm: Trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán, Trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ, Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ và Hát đối, hát giao duyên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, kế hoạch “Xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025” tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu tháng 12 vừa qua, Làng Văn hóa – Du lịch dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) đã được khai trương đi vào hoạt động. 2 địa phương còn lại là Bình Liêu (có làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động) và TP Móng Cái (có làng người Dao Thanh Y ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn) cũng tích cực triển khai thực hiện lập quy hoạch, quan tâm khôi phục, phục dựng nhà ở, làng nghề, nghi lễ, lễ hội và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống nhằm phát huy không gian văn hóa vật thể, phi vật thể. Qua đó, vừa góp phần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng dân cư vừa tạo thêm sức hút cho điểm đến.
Những nỗ lực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo tồn văn hóa đã và đang góp phần khơi dậy mạnh mẽ những giá trị văn hóa của Quảng Ninh trở thành nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung.