Xác định tầm quan trọng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), thời gian qua Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp hội phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, thiết lập liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiền đề này đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bắt tay để cùng phát triển
Năm 2014, THT Tiểu thủ công nghiệp – cơ khí thôn Đông Hải (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) được thành lập. Từ mô hình này, việc liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động đã tạo nền tảng vững chắc cho các thành viên trong tổ phát huy thế mạnh của mình, sản xuất, kinh doanh ngày càng khởi sắc, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Ông Lương Xuân Dậu, Tổ trưởng THT Tiểu thủ công nghiệp – cơ khí thôn Đông Hải cho biết: Khi nhận thi công các công trình, chúng tôi sẽ giới thiệu nhau để có thêm việc làm. Ví dụ như cơ sở của chúng tôi thi công nhôm kính, sẽ nhận thêm phần mộc để cho cơ sở mộc, như vậy các thành viên đều hỗ trợ nhau, cùng nhau phát triển.
Cùng nhau liên kết để phát triển bền vững cũng là hướng đi của các thành viên trong HTX Toàn Thắng (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà). Dù chỉ mới thành lập năm 2023, nhưng các thành viên trong HTX sinh hoạt rất thường xuyên, mục tiêu là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả, tiếp cận các nguồn vốn, chính sách về phát triển mô hình kinh tế, đầu ra cho sản phẩm, cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện HTX đang có 15 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 6ha, chủ yếu trồng các cây ăn quả như cam, táo… Thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 60-80 triệu đồng/năm. Ông Bùi Thọ Hoài, thành viên HTX Toàn Thắng, cho biết: Chúng tôi duy trì kênh trao đổi qua nhóm zalo, những thông tin về thời tiết, nông vụ, kinh nghiệm chăm sóc đều được các thành viên chia sẻ với nhau. Mục tiêu là xây dựng một cộng đồng trồng cây ăn quả có chất lượng, cùng phát triển bền vững.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 650 HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX, THT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.
Để kinh tế tập thể vững tin hoạt động
Xác định kinh tế tập thể là thành phần quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua các cấp HND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động nhằm tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể; trong đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết, hợp tác, mở rộng quy mô. Từ năm 2020 đến nay, HND các cấp trong tỉnh đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thành lập 71 HTX và 70 THT, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ…
Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy các mô hình HTX, THT do tổ chức HND tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ, định hướng hoạt động cơ bản hoạt động hiệu quả. Các thành viên luôn liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Năm 2022, dưới sự hướng dẫn, tư vấn của HND TP Móng Cái, HTX Sản xuất thực phẩm an toàn và dịch vụ thương mại nông lâm ngư Hoàng Nam được thành lập. Đến nay HTX là một trong những đơn vị sản xuất, chăn nuôi lợn Móng Cái có quy mô và kinh nghiệm trên địa bàn thành phố. Hoạt động của HTX cũng đang góp phần nâng tầm cho thương hiệu Lợn Móng Cái của địa phương. Giám đốc HTX Bùi Thị Mỹ Lệ cho biết: Hiện HTX đang duy trì liên kết với 36 hộ chăn nuôi trên địa bàn để cung cấp con giống, kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi năm HTX đưa ra thị trường hơn 1.000 con giống cho các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh việc đồng hành, hướng dẫn thành lập HTX, THT, các cấp HND trong tỉnh cũng luôn bám sát hoạt động của chủ thể kinh tế tập thể để tư vấn, phổ biến và triển khai những cơ chế, chính sách liên quan đến vốn vay, tập huấn khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ đầu ra cho HTX, THT.
HTX Sản xuất nông lâm ngư nghiệp, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Hậu (TX Quảng Yên) đang có thị trường tiêu thụ ổn định với năng lực sản xuất khoảng 1.000 chiếc nem chua, nem nắm/ngày. Ngoài việc chú trọng chất lượng trong quy trình sản xuất, HTX cũng luôn chú trọng quảng bá thương hiệu của mình tại các hội chợ ở địa phương và của tỉnh. Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc HTX cho biết: HND tỉnh và thị xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho HTX tham gia các gian hàng hội chợ trên phạm vi cả nước. Nhờ đó, sản phẩm của HTX không chỉ được người tiêu dùng Quảng Ninh biết đến, mà còn có đầu ra tại các tỉnh, thành khác.
HND tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 HTX, 20 THT nông nghiệp; nâng chất lượng hoạt động của các HTX, THT. Để làm được điều này, HND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập HTX, THT nông nghiệp. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức về vốn, kỹ năng quản trị, khoa học kỹ thuật… cho các thành viên HTX, THT.