Từ đặc thù riêng, có thể nói các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra khá sớm và sôi động, tạo nên sự chuyển động của ngành ngay từ những ngày đầu của năm mới.
Rộn ràng khí thế sản xuất trên khắp ruộng vườn, chuồng trại
Đẩy mạnh tiến độ thu hoạch vụ khoai tây Atlantic, nông dân trên địa bàn TX Đông Triều đã tổ chức thu dỡ khoai bằng máy, tập trung nhân lực phân loại, đóng bao và tập kết về vị trí đơn vị thu mua dễ kiểm đếm, bốc xếp. Vụ khoai tây năm nay do thời tiết thuận lợi, quy trình canh tác được đảm bảo, nên sản lượng và chất lượng củ đều tốt. Với diện tích canh tác khoai tây Atlantic trên 170ha, Đông Triều ước thu về sản lượng đến trên 3.000 tấn củ, giá trị cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.
Cùng với Đông Triều, các vùng trồng khoai tây Atlantic tại Tiên Yên, Hải Hà cũng chuẩn bị kết thúc vụ thu hoạch. Đây là những vùng khoai tây Atlantic mới trồng thử nghiệm đến nay là vụ đầu hoặc vụ hai, tuy nhiên kết quả đạt được rất khả quan. Niềm vui từ những cánh đồng khoai tây Atlantic dường như tạo thêm khí thế cho các vùng canh tác trồng trọt trên toàn tỉnh. Trong đó, ngay sau thu hoạch khoai tây, những diện tích này sẽ nhanh chóng được cải tạo đất đai để vào vụ trồng rau, màu hoặc gieo lúa xuân.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ lúa xuân năm nay toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 32.000ha. Ở khu vực miền Tây, lúa xuân sẽ được gieo cấy sớm hơn khu vực miền Đông do nền nhiều cao hơn, đồng thời người dân chủ yếu cấy giống mới vốn thích nghi tốt với môi trường. Theo đó, các vựa lúa Đông Triều, Quảng Yên có thể kết thúc gieo cấy vụ xuân trước trung tuần tháng 3; ngược lại khu vực miền Đông có thể phải đến thời điểm này mới bắt đầu gieo cấy. Để phục vụ vụ lúa quan trọng nhất trong năm, các địa phương đều quan tâm công tác vệ sinh, cải tạo đồng ruộng, chuẩn bị nguồn nước và đảm bảo năng lực tưới tiêu.
Sau Tết Nguyên đán, tổng đàn gà còn lại của huyện Tiên Yên không nhiều. Trước tình hình này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã kịp thời chuẩn bị điều kiện để vào đàn. Ông Nguyễn Quốc Hưng (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) cho biết: Một mặt chúng tôi dưỡng đàn gà thịt để phục vụ cho dịp rằm tháng Giêng sắp tới, mặt khác chúng tôi lấy giống để vào đàn, bù đắp số lượng gà đã xuất bán. Chúng tôi cũng chia nhỏ các ô chuồng, khu vực để nuôi thả gà theo lứa tuổi, đảm bảo trong trang trại lúc nào cũng có gà thương phẩm, đàn gà kế cận và đàn gà giống.
Được biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 200.000 con gà Tiên Yên đã được tiêu thụ. Dự kiến dịp rằm tháng Giêng này, toàn huyện sẽ tiêu thụ thêm 30.000 con gà. Kết quả này tạo thêm khí thế phấn khởi cho các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn. Huyện Tiên Yên là địa phương có tổng đàn già lớn nhất toàn tỉnh.
Tạo đà cho những kế hoạch sản xuất lớn
Từ đầu tháng 2/2024, Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT chính thức có hiệu lực, cho phép sử dụng nguồn vốn thay thế để trồng rừng trên những diện tích rừng phòng hộ nghèo kiệt. Đây được coi là thông tư gỡ khó cho những diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn trên toàn tỉnh là rừng keo già, đang trong quá trình đổ gãy, không đảm bảo tính năng phòng hộ, rất cần phải cải tạo hoặc trồng mới. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Áp dụng thông tư này, sở đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai. Trước mắt là hoạt động rà soát, đánh giá kỹ lưỡng diện tích, vị trí, hiện trạng, tính cần thiết phải trồng rừng thay thế đối với những diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn nghèo kiệt. Tiếp đến là xây dựng phương án, dự toán kinh phí, công tác mời đầu tư… theo đúng quy trình đề ra. Mục tiêu Quảng Ninh sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế đúng mục đích là làm giàu rừng phòng hộ, ngăn chặn tình trạng suy giảm chức năng phòng hộ của một số vị trí rất trọng yếu trên địa bàn.
Theo rà soát ban đầu, tại các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Yên Lập, hồ Cao Vân, hồ Trúc Bài Sơn, hồ Đầm Hà Động… có thể triển khai được ngay trong vụ trồng rừng đầu năm hoặc cuối năm 2024.
Cùng với mảng lâm nghiệp, các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đàn giá súc lớn cũng đang được Sở NN&PTNT quan tâm, đặt tiền đề để tạo bước đột phá trong thời gian tới; trong đó chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn. Hiện toàn tỉnh đã có 1 vùng chăn nuôi an toàn, theo kế hoạch sẽ tiếp tục xây dựng thêm 4 vùng chăn nuôi an toàn khác.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, hiện công tác giao, cho thuê mặt nước, khu vực biển cho người dân, doanh nghiệp yên tâm nuôi trồng thủy sản trên biển đang được đẩy mạnh. Đây là tiền đề để Quảng Ninh phát triển chiến lược nuôi biển, nhất là những vị trí nuôi tiến ra vùng vịnh hở, cùng cửa sông, cửa biển. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục khuyến khích phát triển đội tàu lớn, có khả năng khai thác tuyến lộng, tuyến khơi, hạn chế đội tàu nhỏ, khai thác ven bờ. Điều này là để Quảng Ninh đạt mục tiêu khai thác thuỷ sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cũng như nuôi trồng thủy sản phù hợp với sức tải môi trường biển, qua đó phát triển thuỷ sản bền vững.
Có thể thấy, mặc dù là những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, tuy nhiên khí thế lao động sản xuất của ngành nông nghiệp đã rất rộn ràng, sôi động. Chuyển động này tạo sự lan toả tinh thần phấn khởi sản xuất nông nghiệp trong nhân dân, thắp lên niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới ngành NN&PTNT hanh thông, đạt kết quả tốt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh.