Xác định vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trong phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo đà cho các HTX, tổ hợp tác bứt phá và phát triển bền vững.
Những trợ lực kịp thời
Trên cơ sở các quy định của Trung ương như Luật HTX năm 2012, Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 16/6/2022) của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, như: Chương trình hành động số 22-CTr/TU (ngày 21/12/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 16/6/2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Và gần đây nhất là Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Cụ thể hóa các chương trình hành động, nghị quyết trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác được tiếp cận vốn và quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Trong giai đoạn 2021-2023, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp cùng Liên minh HTX tỉnh đã triển khai cho 17 HTX vay vốn, với số tiền 16,8 tỷ đồng; thu nợ 15 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, đã cho 25 HTX vay với số tiền 19,1 tỷ đồng. Tư vấn cho 4 HTX vay từ nguồn quỹ Trung ương là 41,8 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ các HTX đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn cho các HTX, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương
Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền (huyện Đầm Hà) Nguyễn Văn Tuyền cho biết: Với sự hỗ trợ hiệu quả của tỉnh về cơ chế chính sách, vay vốn ưu đãi, các HTX có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay trung bình mỗi năm HTX của chúng tôi cung cấp 15-30 vạn con giống, trên 20 tấn gà thương phẩm cho thị trường, tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng. Gà giống của HTX Tuyền Hiền không chỉ cung cấp cho các địa phương trong tỉnh như Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ… mà còn mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành trong cả nước.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân, tổ hợp tác, HTX, với tổng kinh phí phê duyệt 21,6 tỷ đồng. Trong đó, NSNN hỗ trợ 12,9 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng trên 8,6 tỷ đồng.
Bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn vốn, các HTX, tổ hợp tác cũng thường xuyên được quan tâm hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh theo Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh đã lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh.
Tăng trưởng cả về lượng và chất
Những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội cho các HTX vững tin sản xuất, phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa thị trường. Nhiều HTX mới được thành lập, hoạt động đa dạng hóa về ngành nghề, lĩnh vực, một số liên hiệp HTX được thành lập để tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chuyên canh.
Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh là 667. Tổng số vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.800 tỷ đồng; doanh thu bình quân của mỗi HTX là 850 triệu đồng/năm; lãi bình quân một HTX đạt trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên, lao động trong HTX là 68 triệu đồng/năm.
Khu vực kinh tế HTX cũng là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 87 HTX tham gia chương trình OCOP, chiếm 39,7% các tổ chức tham gia chương trình OCOP, trong đó có 85 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định ANTT, an toàn xã hội.
Trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, toàn tỉnh hiện có 160 tổ hợp tác, 436 HTX, 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động. Các HTX lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm OCOP của tỉnh, của địa phương, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Trong đó, việc thực hiện tốt những hoạt động dịch vụ nông nghiệp đã tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người lao động.
Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình, trong đó thể hiện sự thay đổi cách nghĩ, cách làm và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, bên cạnh đó còn giúp thành viên, các hộ gia đình và người dân, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Đơn cử như mô hình HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gà giống và gà thương phẩm, gà bản Đầm Hà. Hiện HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết đạt trên 5,8 tỷ đồng.
Nhờ tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, toàn tỉnh hiện đã có 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung phần lớn ở lĩnh vực tổng hợp, số ít hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản với quy mô sản xuất trung bình đạt 56.933 m². Loại hình công nghệ cao đã và đang áp dụng vào sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, bán tự động. Công nghệ các HTX được chuyển giao, sử dụng trong sản xuất, canh tác phần lớn được nhập từ Trung Quốc, Hà Lan, Israel và tại Việt Nam.
Một số HTX đã có sự thay đổi đáng kể khi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Đức (TX Đông Triều) cho biết: Từ khi thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP, sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTX đã được nâng cao chất lượng lên nhiều lần. Hiện tại, diện tích nếp cái hoa vàng của HTX đạt khoảng 20ha, thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập bình quân 51,7 triệu đồng/ha cho người dân, cao hơn các loại lúa khác 17,9 triệu đồng/ha. Người dân rất phấn khởi vì chất lượng đảm bảo nên dù chưa thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã đến đặt hàng.
Có thể khẳng định, từ năm 2020 đến nay, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn Quảng Ninh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, bảo đảm an sinh, ANTT, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế của tỉnh.
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác thích ứng với cơ chế thị trường, phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích tạo điều kiện để HTX đổi mới toàn diện về tổ chức, hoạt động đảm bảo đúng nguyên tắc. Phát triển đa dạng các loại hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, gắn với các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng nông thôn mới; OCOP…
Tập trung xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến để khuyến khích nhân rộng; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi; đẩy mạnh phát triển mô hình HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư theo chuỗi, liên kết HTX với các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.