Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi đan xen, nhất là đối diện với bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh… Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh đã vượt lên khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện trên các lĩnh vực công tác theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chủ đề công tác năm 2024: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Đến nay, toàn bộ quy trình giải quyết TTHC của tỉnh được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số cơ quan, trả kết quả gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết). Đã cắt giảm 40-60% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Trung ương, tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho công dân và doanh nghiệp. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ đầu năm đến nay các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất tiếp tục được quan tâm. Nhiều đơn vị, địa phương duy trì hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, như tổ chức gặp gỡ đối thoại, chương trình “Cafe doanh nhân” và các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài; quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, nâng cao hiệu quả mô hình xúc tiến đầu tư thống nhất trong toàn tỉnh và theo chu trình khép kín, từ hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư, đến hỗ trợ sau đầu tư. 6 tháng đầu năm, tổng thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1,549 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước.
Song song với đó, phát huy mạnh mẽ lợi thế ngành dịch vụ, du lịch, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị khác biệt của du lịch Quảng Ninh, di sản – kỳ quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Với nhiều đổi mới, sáng tạo, tỉnh đang tập trung phát triển 62 sản phẩm du lịch, trong đó đã tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, thu hút đông du khách, như: Lễ hội Carnaval Hạ Long, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024, Triển lãm giới thiệu máy bay của Tập đoàn COMAC; đưa một số sản phẩm du lịch mới vào khai thác như tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng, du thuyền Grand Pioneers 2, khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea thuộc Khu tổ hợp Sonasea Vân Đồn Harbor City…
Sự đầu tư mạnh cho du lịch đã góp phần thu hút động du khách đến với Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm tổng lượng khách ước đạt trên 10,4 triệu lượt, tăng 18% so cùng kỳ (khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140%). Tổng thu từ du lịch tăng 34% so cùng kỳ.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục linh hoạt trong điều hành thu, chi ngân sách. Các ngành chức năng, địa phương chủ động rà soát, triển khai các giải pháp điều hành ngân sách, nhất là 7 kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý thuế trên các lĩnh vực; phấn đấu tăng thu từ thuế, phí nội địa, thu XNK, thu từ dịch vụ du lịch, thương mại điện tử để bù đắp số hụt thu tiền sử dụng đất; kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN…
Tổng thu NSNN 6 tháng của tỉnh ước đạt 30.774 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2023. Đây là những nỗ lực vượt bậc của tỉnh triển khai nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn khi tổng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 21% dự toán.
Với sự nỗ lực, cố gắng trong triển khai nhiệm vụ, dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 9,02%, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, công nghiệp, xây dựng ước tăng 7,68%; công nghiệp chế, biến chế tạo ước tăng 23,05%, tiếp tục đóng vai trò là động lực mới trong tăng trưởng của tỉnh… Kết quả nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2024 là động lực, là “bàn đạp” để Quảng Ninh nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả năm với tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì hai con số; thu NSNN không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 51 (ngày 20/6/2024), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, tập trung vào các động lực tăng trưởng KKT, KCN, kinh tế di sản, kinh tế đô thị, kinh tế số, niềm tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp và sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong từng dự án đầu tư công; tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ công nghệ cao, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, năng lượng, nước, tài nguyên, đất đai; tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới. Cùng với đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược và xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền trong tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.