Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng từ đó cũng nhích dần.
Ngày 18.12, tại Diễn dàn Kinh tế Việt Nam 2024, bà Bùi Thuý Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tính đến ngày 13.12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, lần công bố gần đây nhất, NHNN cho biết tính đến 31.11 tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 9,15%.
Được biết, định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế năm 2023 là 14%.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hằng cho biết: “Chúng tôi sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế”.
Theo Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, đại diện NHNN cho rằng, ngành ngân hàng cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…
Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…