Năm 2024 tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt được mức cận trên của mục tiêu Quốc hội đề ra, khoảng 6,5%.
Nhiều nhận định cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2024 đang có sự phục hồi so với quý I/2024, để làm rõ hơn thông tin này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II/2024 tích cực hơn so với quý trước đó. Nhận định của ông về vấn đề này ra sao?
Năm 2023 và đầu năm 2024, các dự đoán của các chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn năm ngoái. Năm ngoái, mức tăng trưởng GDP Việt Nam đạt được là 5,05% nhưng năm 2024 phần lớn các dự báo đều cho rằng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023, khoảng từ 5,5% đến 6,5%, tức là ít nhiều nền kinh tế đã có sự phục hồi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam công bố mức tăng trưởng GDP quý I/2024 là 5,66% thì phần lớn dự báo của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đều có sự điều chỉnh, các điều chỉnh này đều có cái nhìn tích cực hơn với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024. Trong khi đó, tinh thần của Chính phủ vẫn là phấn đấu đạt được mức cận cao nhất của chỉ tiêu Quốc hội đề ra, đó là khoảng 6,5% và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông, đâu là động lực để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024 như mong muốn của Chính phủ?
3 động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì động lực tăng trưởng tốt nhất đối với Việt Nam vẫn là xuất khẩu, với mức tăng trưởng khoảng trên 15-16%. Và đằng sau đó là sự phục hồi của nhiều ngành công nghiệp trong lĩnh chế biến, chế tạo có gắn với hoạt động xuất nhập khẩu như dệt may, da giày, linh kiện điện tử…
Trong khi đó, động lực nhờ vào đầu tư thì chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 5 tháng đầu năm 2024, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bức tranh FDI tại Việt Nam không chỉ tăng lên về số vốn đăng ký, mà vốn FDI cam kết giải ngân cũng có mức tăng trưởng tích cực, đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự tích cực của FDI là sự quyết liệt, tích cực vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nên đầu tư công vẫn giữ được đà khởi sắc từ năm 2023, đây cũng là động lực tăng trưởng cho năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những động lực thì cũng có những vấn đề quan ngại, đó là đầu tư tư nhân đã có dấu hiệu chững lại từ năm 2023 và đến thời điểm này của năm 2024 đầu tư tư nhân vẫn ghi nhận mức tăng thấp. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu dùng, bán lẻ dù vẫn có sự tăng trưởng, nhưng từ quý III và quý IV của năm 2023, và đặc biệt là những tháng đầu năm 2024 đã có sự chững lại, mức tăng của tiêu dùng, bán lẻ không còn dẫn dắt được mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo phân tích của ông, thì tăng trưởng kinh tế năm 2024 dù có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá bấp bênh. Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để tận dụng những cơ hội tăng trưởng?
Đúng vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn còn khá bấp bênh. Để thúc đẩy tăng trưởng, thời gian qua Chính phủ cũng đã có sự vào cuộc quyết liệt thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng với những nỗ lực đó, tăng trưởng GDP sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, theo chu kỳ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì quý III và quý IV luôn có sự khởi sắc hơn quý I và quý II. Cùng với đó, là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cộng với những yếu tố tích cực của thị trường bên ngoài sẽ thúc đẩy xuất khẩu và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức cận trên mà Quốc hội đề ra trong năm 2024, là khoảng 6,5%.
Xin cảm ơn ông!