Điểm nhấn của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm là kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,02%, xếp thứ tư Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đi đôi với đó là an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo với nhiều chính sách đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Nhiều kết quả tích cực
Bám sát chủ đề công tác năm 2024 là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, với tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, khối lượng công việc đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,05%, cao hơn 10,3% so cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Ngành dịch vụ du lịch tăng 13,85%, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% so cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được tỉnh ưu tiên với nhiều giải pháp, cách làm tập trung, qua đó đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy của doanh nghiệp. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.549 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, các dự án, công trình trọng điểm được đẩy mạnh triển khai, thúc đẩy liên kết vùng, tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, giao thương, phát triển kinh tế. Trọng tâm là các dự án: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều); xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc; hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Bến Rừng; hoàn thành và triển khai Đề án nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.
Đáng chú ý, tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội 6 tháng đầu năm đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, nâng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Chương trình xây dựng NTM cũng đạt được những kết quả tích cực khi hoàn thành sớm hơn 2 năm ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh giảm thêm 121 hộ nghèo và 828 hộ cận nghèo. Tình hình tội phạm trật tự xã hội giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các vấn đề cử tri kiến nghị được quan tâm giải quyết kịp thời, thấu đáo.
Tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu
Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 2 con số (10,9%); thu NSNN không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, Quảng Ninh tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp và kế hoạch để đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Song song với đó là nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Theo đó, tỉnh kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh. Xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế năm 2024 là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công. Coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm…
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV (kỳ họp thường lệ giữa năm), Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo và giảm ít nhất 50% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh.