Cụ thể hóa Nghị quyết 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, 8 tháng năm 2023, các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mọi nhiệm vụ đề ra. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của cả năm.
Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với tình hình thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tiếp tục được đề cao và thực hiện xuyên suốt. Đồng thời với đó, tích cực phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; tập trung huy động sức mạnh tổng lực, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số.
Tỉnh cũng ưu tiên ngân sách địa phương cho các chương trình, đề án chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, phát triển toàn diện cho trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đặc biệt tỉnh cũng đề ra mục tiêu hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh trong tháng 9/2023…
Cụ thể hoá chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao ngay từ đầu năm. Điển hình như TP Móng Cái, bám sát Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, BCH Đảng bộ thành phố xác định chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; chất lượng dịch vụ, thương mại, logistics và đời sống nhân dân”. Để thực hiện thành công chủ đề công tác năm, Móng Cái đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong đó phấn đấu thu ngân sách nội địa đạt trên 1.566 tỷ đồng; thu XNK đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố tăng trên 12%. Tạo việc làm mới cho trên 3.500 lao động; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97% dân số. Giữ vững 100% xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 1 thôn/xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025.
Từ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, TP Móng Cái đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trong đó nổi bật là thu NSNN tăng 66,3% so với cùng kỳ, thu nội địa đạt 109,8% dự toán thành phố giao, tăng 183,9% so với cùng kỳ. Thành phố cũng tập trung tối đa nhân lực, vật lực và thời gian đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình, dự án, GPMB các dự án trọng điểm, động lực gắn với tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm kích cầu các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ… ổn định và tăng trưởng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, đơn vị, từ đầu năm tới nay, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư ở miền Bắc với tổng vốn thu hút đầu tư FDI đạt trên 853 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch; thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt trên 45.300 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch. Trong đó đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đến nay 9 chỉ tiêu về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra, trong đó đã có 98% tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị, xã đảo, xã có hoạt động du lịch, dịch vụ được thu gom, xử lý; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 99,96%.
Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 70 phiên sàn giao dịch việc làm, tạo việc làm tăng thêm cho 13.842 người; hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho 5.924 học sinh. Tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư và chuẩn bị quỹ đất tái định cư cho ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB. Đồng thời trình HĐND tỉnh phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế; 277 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để đầu tư xây dựng 12 trường học.
Đặc biệt, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát (444 hộ dân có nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, xây mới) với việc huy động sự vào cuộc của đông đảo doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đơn vị và nhân dân tham gia đóng góp, ủng hộ. Đây là món quà ý nghĩa, lớn nhất trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Tỉnh, tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày một tốt lên. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Mới đây tại phiên họp thường kỳ tháng 8, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm, với mức tăng trưởng GRDP tăng trên 11%; tổng thu NSNN đạt 54.000 tỷ đồng, thu hút FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng tốc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Trong đó đồng chí cũng lưu ý một số nội dung: Hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trong thời gian sớm nhất, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 9/2023; tập trung hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh. Đồng thời với đó, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023; tập trung đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy chủ đầu tư các dự án đầu tư trong KCN, KKT đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long đã được khởi công năm 2022, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để từ nay tới cuối năm phấn đấu khởi công 5 dự án nhà ở công nhân KCN, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân ngành Than.
Đặc biệt tiếp tục chấn chỉnh tác phong làm việc, nhất là tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu quyết tâm, quyết liệt, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong một số cán bộ, công chức, viên chức.