Tiếp nối thành quả giữ vững địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển” cùng đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật trong chặng đường từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, những khó khăn từ thực tế còn không ít. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương và chung tay của tổ chức, cá nhân trong 2 tháng còn lại của năm 2023 để cán đích tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 11,02%.
Nỗ lực thực hiện chủ đề công tác năm
Thu hút đầu tư luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quảng Ninh nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, năm nay, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, nhiệm vụ này các cấp, các ngành trên địa bàn càng tăng cường thực hiện. Trong đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT sớm đi vào hoạt động. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đang tập trung thu hút vào thị trường các nước tiềm năng. Trong đó, Hàn Quốc là một trong những thị trường chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc tỉnh Quảng Ninh (Korea Desk Quảng Ninh), thiết lập quan hệ với tỉnh Gangwon, Jeju…
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ: Thời gian qua, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, chúng tôi đã có chuyến tìm hiểu thực tế về chính sách, hạ tầng, môi trường đầu tư, cũng như tham quan KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên). Đây sẽ là thực tế khách quan để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, triển khai dự án đầu tư tại tỉnh thời gian tới.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tính đến hết tháng 9, tổng vốn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% chỉ tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh (ít nhất 1,0 tỷ USD), đạt 71,2% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD). Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư là 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 826,54 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn tăng thêm 26,41 triệu USD; cấp 2 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt 0,98 triệu USD.
Nhằm không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân, tỉnh đã đầu tư triển khai nhiều công trình bằng đa dạng các nguồn vốn. Sau thời gian khẩn trương thi công, tỉnh vừa tổ chức lễ gắn biển nhiều công trình chào mừng 60 năm ngày thành lập như: Cung Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí); Trường THCS – THPT Quảng La (TP Hạ Long); Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả)… Các công trình này không chỉ tạo dấu ấn, tạo không khí thi đua, chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh, mà còn đáp ứng nhu cầu của người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, toàn diện, đẩy mạnh các đột phá chiến lược.
Để người dân an cư, lạc nghiệp, tỉnh đã triển khai quyết liệt chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Qua rà soát, toàn tỉnh có 441 hộ cần hỗ trợ sửa chữa, xây mới, cải tạo. Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà hảo tâm để xoá nhà ở tạm, nhà dột nát. Đến cuối tháng 9, tất cả các địa phương đều hoàn thành với tổng kinh phí huy động được là gần 33 tỷ đồng.
Tiếp nối chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, tỉnh đã ban hành Quyết định 2031/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 1.450 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở (gồm 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa) với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81,7 tỷ đồng. Hiện, các địa phương khẩn trương phối hợp rà soát, thẩm định, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ trong năm 2023.
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng phòng LĐTB&XH TP Hạ Long, cho biết: Thành phố đã hoàn thành việc rà soát để báo cáo UBND tỉnh thẩm định và thực hiện các quy định hỗ trợ. Hiện, thành phố có 409 hộ gia đình người có công với cách mạng, thân nhân các gia đình liệt sĩ tại 27/33 xã, phường cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở, trong đó 97 hộ xây mới và 312 hộ sửa chữa với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Thành phố sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân hỗ trợ các gia đình xây dựng và sửa chữa nhà ở theo đúng tiến độ, từ đó, tri ân những công lao của các thế hệ đi trước, nâng cao đời sống nhân dân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt tăng trưởng 11,02%
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 11,02%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ phát huy tối đa vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp – xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm; bảo đảm cung cấp đầy đủ, ổn định điện trong các KCN, CCN; tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho ngành than, ngành điện để tận dụng các cơ hội thị trường tăng tối đa sản lượng.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế; rà soát kỹ lưỡng từng dự án đủ điều kiện khởi công theo từng địa bàn, ưu tiên những dự án sản xuất kinh doanh, dự án động lực để chỉ đạo tháo gỡ với lộ trình cụ thể; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm ngoài ngân sách.
Đối với ngành du lịch, dịch vụ, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể tất cả các quy hoạch, đề án, dự án du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô…, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển các sân golf phục vụ thể thao và du lịch theo quy hoạch đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện để thu hút khách du lịch, phấn đấu mục tiêu cả năm 2023 thu hút 15 triệu lượt du khách.
Để đạt mục tiêu thu hút FDI năm 2023 trên 1,2 tỷ USD, tỉnh sẽ phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về chỉ số PCI, PAR INDEX cấp tỉnh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, dễ tiếp cận, chi phí thấp và ổn định, bảo đảm an toàn về tài sản cho nhà đầu tư; tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, phát huy hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc; hoàn thành Bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị với tiêu chí đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường, công khai, minh bạch; hoàn thành Đề án thu hút nhà đầu tư lớn FDI, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bà Nattamon Limthanachai, Giám đốc độc lập HĐQT Amata Việt Nam, KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên, cho biết: Trong thời gian đầu tư tại Quảng Ninh, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ tỉnh Quảng Ninh. Thủ tục đầu tư nhanh gọn, rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Amata City Hạ Long, một số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong ngày. Amata sẽ đồng hành đóng góp vào hoàn thành mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD trong năm 2023 của tỉnh. Trong đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và nhà đầu tư từ Châu Âu vào KCN Amata trong thời gian tới.
Để hoàn thành số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 54.000 tỷ đồng, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tăng cường NSNN tỉnh, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án điều chỉnh, triển khai có hiệu quả theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và các kế hoạch về thu – chi ngân sách đã được UBND tỉnh ban hành. Đặc biệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu – chi ngân sách, gắn với công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở các cấp ngân sách; tăng cường thu đối với các khoản thu còn dư địa để bù trừ đối với các khoản thu đã được dự báo bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế; tăng cường kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi và các biện pháp chống thất thu. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Với chỉ đạo quyết liệt, những giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục cán đích năm thứ 8 liên tiếp tăng trưởng GRDP đạt 2 con số, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.