Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân giữ vai trò đòn bẩy để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Do đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp giúp nông dân nâng cao thu nhập, hướng đến sự phát triển bền vững.
Nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Chăn nuôi bò lai 3B sinh sản khép kín, an toàn dịch bệnh” tại thôn Trại Thụ (xã Tràng Lương, TX Đông Triều) với quy mô 18 con bò giống. Tham gia mô hình, gia đình bà Bùi Thị Loan và 5 hộ dân khác trong thôn được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, vật tư, thiết bị phục vụ chăn nuôi và được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi bò sinh sản.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn bò sinh trưởng và phát triển khá tốt. Hiện nay, 2/18 con bò giống đã sinh sản, số còn lại đều đã mang thai. Mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới cho người dân xã Tràng Lương.
Với tổng diện tích hơn 8ha, mỗi năm, trang trại sản xuất ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Lê Văn Quý, thôn Trung Lương (xã Tràng Lương, TX Đông Triều) cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn ổi. Sau khi trừ chi phí, anh Quý thu về gần 500 triệu đồng/năm, cao gấp 4 đến 5 lần so với các loại cây ăn quả khác như cam, bưởi. Thu nhập cao và ổn định khiến anh Quý thêm tin tưởng, yên tâm đầu tư vào cây ổi.
Bà Tạ Thị Nụ, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao, ổn định. Hết năm 2022, thu nhập bình quân chung của xã đạt 67 triệu đồng/người/năm, tăng 15,9 triệu đồng so với năm 2020. Dự kiến, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở đây sẽ đạt 74 triệu đồng/người/năm, tạo cơ sở quan trọng để xã Tràng Lương về đích NTM kiểu mẫu.
Cũng như xã Tràng Lương, trong hơn 10 năm trở lại đây, thu nhập, đời sống của người dân xã Tân Dân (TP Hạ Long) đã được nâng lên đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Năm 2016, cùng với nhiều hộ dân khác trong thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, gia đình ông Triệu Tiến Hiện được nhà nước hỗ trợ 50 con gà giống cùng thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn đầu.
Với diện tích đất đồi rộng, môi trường sạch, ít dịch bệnh, thuận tiện cho việc chăn thả, ngoài các loại thức ăn sẵn có như ngô, thóc, ông Hiện thả gà tự do vận động, tìm thêm thức ăn như sâu bọ, côn trùng để thịt gà chắc, thơm, da vàng. Nhờ đó, việc chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình khá thành công, mỗi năm có thể xuất chuồng 12 lứa, mỗi lứa 1.000 con, trừ chi phí còn thu về hơn 500 triệu đồng/năm. Từ một hộ khó khăn, ông Hiện đã vươn lên trở thành hộ giàu trong xã.
Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân phấn khởi cho biết, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn thay đổi phương thức làm nông nghiệp truyền thống bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa những cây trồng mới có giá trị cao vào thâm canh quy mô lớn, theo hướng VietGAP. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Điển hình như mô hình trồng nho hạ đen và nho sữa nhập ngoại của gia đình anh Triệu Văn Chuyên ở thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân. Với 7 sào đất trồng nho (1.200 gốc nho các loại), năm 2022, anh Chuyên thu được hơn 1 tấn quả, trừ chi phí còn thu về 150 triệu đồng. Những năm tới đây, khi cây nho sinh trưởng và phát triển mạnh hơn, dự kiến, sản lượng thu hoạch sẽ tăng gấp đôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Không những thế, mô hình còn giúp nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn học tập, ứng dụng theo.
Với sự quan tâm, dành nguồn lực đầu tư thích đáng của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, cùng sự năng động, nhạy bén của mỗi người dân, hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đã đạt mức 54,4 triệu đồng/người/năm. Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Những thành quả quan trọng này sẽ tạo động lực để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, thông minh. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030, đạt từ 8.000 đến 10.000 USD, đưa việc xây dựng NTM đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả, giúp người dân nông thôn có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.