Một trong những định hướng chiến lược được ngành Du lịch tỉnh tập trung là xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó tiếp cận đa dạng các dòng khách, tăng sức cạnh tranh điểm đến, từng bước khẳng định vị thế của trung tâm du lịch trong khu vực và quốc tế.
Khai thác tối đa tiềm năng du lịch
“Độc đáo”, “mới lạ”, “bắt kịp xu hướng” là nhận định của các chuyên gia về 62 sản phẩm du lịch mới dự kiến được UBND tỉnh đưa vào khai thác trong năm 2024. Các sản phẩm du lịch này được định hướng phát triển đa dạng, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long và các khu vực biển đảo trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm du lịch được xây dựng có mức độ hấp dẫn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của du khách từ các thị trường mục tiêu của du lịch Quảng Ninh.
Trong đó khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long được đầu tư 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ Vịnh Hạ Long đến Vịnh Bái Tử Long; phát triển các tour, tuyến tham quan lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi; giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên Vịnh Hạ Long; du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới…
Một số sản phẩm tiềm năng, gây ấn tượng và tạo dấu ấn với du khách, như trải nghiệm nuôi cấy, khai thác và chế tác ngọc trai Hạ Long. Theo bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, du khách sẽ được trải nghiệm nuôi trai, tìm hiểu quy trình sản xuất, cấy ngọc trai, khai thác, chế tác. Điểm đặc biệt là du khách được trực tiếp tự cấy nhân vào trong con trai để tạo ngọc, sau đó được để lại dấu ấn của mình trên con trai như họ tên, chữ ký. Sau thời gian nuôi cấy khoảng 15-18 tháng, sản phẩm đủ điều kiện khai thác, khách du lịch có thể nhận thành phẩm.
Hoạt động trải nghiệm 1 ngày ở làng chài Vung Viêng trên tuyến tham quan số 4 của Vịnh Hạ Long kéo dài 6-8 giờ đồng hồ là sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn. Du khách tham quan làng chài bằng thuyền nan truyền thống hoặc thuyền kayak, tìm hiểu nghề nuôi cá lồng bè; tham quan nhà cộng đồng của ngư dân làng chài, lớp học trên biển; khám phá cuộc sống thủy cư của ngư dân Vịnh Hạ Long xưa và nay. Du khách được đến các khu nuôi trồng chế tác ngọc trai để mua sắm và thưởng thức bữa trưa mang đậm hương vị làng chài trên Vịnh Hạ Long.
Các địa phương trong tỉnh tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. TP Hạ Long đưa ra 9 sản phẩm: Tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng; phà du lịch Bãi Cháy; phiên chợ “Ký ức xưa”; du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao của Hạ Long… Các sản phẩm này có sức hút, đa dạng các lĩnh vực, phù hợp với nhiều loại đối tượng, như: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc, kết hợp ẩm thực, dịch vụ đêm, phù hợp với đối tượng trẻ;Tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng tạo nên một không gian đa trải nghiệm với các khu ẩm thực, dịch vụ biểu diễn, bảo tàng văn hóa biển, trò chơi…
Ông Kim Heon Joong, Giám đốc điều hành của Sun Travel, cho biết: Dự án Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc tại TP Hạ Long sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch mới, giúp nơi này trở thành khu du lịch tiêu biểu trong khu vực và Việt Nam. Bởi hiện rất nhiều người Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á muốn đến thăm Hàn Quốc, nhưng hầu hết gặp khó khăn trong việc xin thị thực. Vì vậy sản phẩm này tin tưởng sẽ thu hút nhiều người dân và du khách đến trải nghiệm.
TP Hạ Long cũng tích cực xây dựng và mở rộng không gian du lịch phía Bắc, hướng đến các hoạt động cộng đồng tại các xã vùng cao. Đây được coi là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế. Thành phố sẽ phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn với đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, dân tộc Tày; đưa vào trải nghiệm ẩm thực, ngâm chân thuốc bắc, khám phá tìm hiểu sinh hoạt, khu bảo tồn văn hóa dân tộc Tày.
Huyện Vân Đồn dự kiến có 14 sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe, thể thao ngoài trời, bãi biển, tiệc cưới, du lịch MICE… Trong đó khai thác tối đa dịch vụ của các khu nghỉ dưỡng (khóa tập dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng); phát triển các hoạt động thể thao giải trí trên biển (bóng chuyền bãi biển, bóng đá), khu vui chơi cho trẻ em (sân golf mini, lớp học nấu ăn,…). Huyện khai thác tối đa sản phẩm du lịch xã đảo và Vườn Quốc gia Bái Tử Long với hành trình 4 ngày, 3 đêm từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đến bến tàu Bản Sen, bến Cồn Trụi (xã Minh Châu) hoặc Bến Đồng Hồ (xã Quan Lạn). Du khách được đạp xe vòng quanh Bản Sen, tìm hiểu đời sống, văn hóa người dân nơi đây, tham quan rừng trâm cổ, tắm biển ở bãi biển Minh Châu; tham quan Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật ở Quan Lạn, trải nghiệm đào sá sùng….
Huyện Cô Tô dự kiến có 7 sản phẩm khai thác tối đa lợi thế biển đảo, các khu vui chơi giải trí, du lịch chữa lành… Các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên đưa các sản phẩm chợ phiên, du lịch xuyên rừng, đá bóng thể thao, du lịch sinh thái…
Đẩy nhanh tiến độ
Để các sản phẩm này sớm đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ người dân và du khách, các địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các thủ tục, hướng dẫn, gỡ khó cho doanh nghiệp. TP Hạ Long triển khai phương án xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch khu vực phía Bắc với các điểm du lịch khác trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát huy cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống bản địa trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân địa phương để đón khách du lịch; xây dựng đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống tại các thôn trên địa bàn các xã. Thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn các xã Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân, Kỳ Thượng, trong đó tập trung chủ yếu vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP Hạ Long, thu hút du khách đến thành phố vào mùa du lịch thấp điểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hạ Long, thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tân Hồng đón các đoàn khách du lịch quốc tế đi bằng tàu biển đến trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại các địa phương, như: Quy trình ủ Rượu Bâu, thảo dược ngâm chân của người Dao… Các hoạt động diễn ra nhận được những phản hồi tích cực từ du khách, được đánh giá là đa dạng cả về nội dung và hình thức thể hiện, có thể khai thác, phát triển hơn nữa thời gian tới.
Huyện Cô Tô dự kiến phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chí xanh trên cơ sở đã ban hành Bộ tiêu chí về thực hiện bảo vệ môi trường gắn với giảm thải rác thải nhựa từ tháng 9/2022. Thông qua đó, tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn du lịch xanh để giới thiệu cho du khách; khuyến khích các công ty du lịch trên địa bàn tổ chức các chương trình du lịch gắn với bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần, tổ chức cho du khách tham gia nhặt rác tại các bãi biển trong các chương trình du lịch.
Huyện cũng đưa vào hoạt động du lịch thực tế ảo, ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3600 tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, bước đầu huyện xây dựng chuyến du lịch ảo là mô phỏng môi trường thực tế bằng các thiết bị chuyên dụng, số hoá mọi địa điểm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt. Sau khi thực hiện bước thu thập dữ liệu, toàn bộ được xử lý và đưa lên môi trường thực tế ảo thông qua công nghệ ghép nối thông minh các điểm dữ liệu. Để trải nghiệm chuyến du lịch thực tế ảo qua ứng dụng VR360, khách du lịch từ khắp nơi truy cập bằng các thiết bị là màn hình hiển thị 2D thông thường, như điện thoại, máy tính, ipad hoặc thiết bị sống động hơn là kính VR.
Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch mới được triển khai đồng bộ, đáp ứng nhu cầu và thu hút du khách, tạo sức cạnh tranh cho điểm đến, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện về thủ tục, kinh phí đầu tư, quy hoạch. Đồng thời rút kinh nghiệm một số sản phẩm đã đi vào khai thác trong năm 2023 nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được khách du lịch, thậm chí gây lãng phí đầu tư.
Sở Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, rà soát hồ sơ thủ tục sản phẩm du lịch mới của địa phương, đưa ra các giải pháp gỡ khó cho các địa phương, doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, Sở đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các doanh nghiệp thực hiện đưa khách đến tham quan, mua sắm các khu vực có sản phẩm du lịch mới tại các địa phương; tham góp ý kiến để hoàn thiện các sản phẩm hấp dẫn du khách; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đưa ra các sản phẩm combo với chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra cụ thể các điểm du lịch cộng đồng, tham mưu văn bản gửi các sở, ngành liên quan để có ý kiến trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt các vướng mắc về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, thực hiện mô hình du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp, đất rừng… Qua đó nhanh chóng đưa các sản phẩm mới vào hoạt động, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, từng bước đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa” trong phát triển du lịch của cả nước, trước mắt là hiện thực hóa mục tiêu đón 17 triệu lượt khách trong năm 2024.