Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, với 9/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có biển. Bờ biển ở Quảng Ninh có chiều dài 250km, nhiều khu vực nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn, hình thành nên trung tâm kinh tế cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistics quy mô lớn gắn kết quá trình giao thương hàng hóa, thương mại, dịch vụ giữa Việt Nam với thế giới. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua tỉnh đã quan tâm, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng.
Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cảng biển
Nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế mang lại cho tỉnh từ hệ thống cảng biển, dịch vụ cảng biển trong cơ cấu kinh tế, ngày 23/4/2019, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Nghị quyết đã tạo ra hướng phát triển bền vững, có mục tiêu, cụ thể đối với lĩnh vực cảng biển, dịch vụ, logistics của Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, làm đòn bẩy, động lực để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp chung tay hoạch định chiến lược phát triển.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đạt 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17,5%/năm, đóng góp khoảng 1,2%-1,5% trong GRDP của tỉnh; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt khách.
Từ những định hướng, mục tiêu được xác định, trong 4 năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cuộc làm việc với Bộ GTVT đề xuất, bổ sung các địa điểm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam và được Bộ GTVT chấp thuận. Theo Quyết định số 508/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2021 của Bộ GTVT, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 13 bến cảng. Đến nay, toàn bộ các bến cảng này đều được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.
Nổi bật trong số đó, có 5 bến cảng (Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Vạn Ninh, Vạn Gia và bến cảng huyện đảo Cô Tô), 4 khu bến (Cái Lân; Cẩm Phả; Yên Hưng; Hải Hà), cảng cạn ICD Móng Cái và nhiều các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu, tránh trú bão tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô…
Trên quan điểm xã hội hóa nguồn lực đầu tư các cảng, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng, phát triển dịch vụ sau cảng. Cảng khách quốc tế Hòn Gai, cảng khách quốc tế Tuần Châu, bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên… là những điển hình trong số đó. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảng hành khách, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện nghiên cứu dự án cảng Con Ong – Hòn Nét (TP Cẩm Phả) và 8 dự án dịch vụ cảng biển, sản xuất chế biến, chế tạo tại khu vực KKT ven biển Quảng Yên, với tổng diện tích có thể nghiên cứu bố trí khu vực hậu cần sau cảng và logistics gần 7.000ha.
Hiện tại ở KKT ven biển Quảng Yên đã có 4 dự án của nhà đầu tư đang triển khai. Nổi bật trong số đó có 2 bến cảng thuộc dự án phát triển Tổ hợp cảng biển và KCN do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư và dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng do Công ty TNHH MTV Sữa chữa ô tô Hải Phòng làm chủ đầu tư. Ở Tổ hợp cảng biển do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư, hạng mục cảng biển có diện tích sử dụng đất gần 170ha, tổng chiều dài bến cảng 2.500m, đáp ứng tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. Hiện dự án này đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục đầu tư cần thiết để triển khai xây dựng.
Cùng với việc hoạch định đầu tư các cảng biển, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và ngoài xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, gắn kết phát triển các trung tâm kinh tế, thương mại gần hơn với các cảng biển. Ngoài dự án cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái đã được đầu tư hoàn thành, kết nối các khu vực cảng biển gần hơn với nhau, thì hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang dành nguồn lực đầu tư tuyến đường ven sông kết nối một loạt các cảng biển tại KKT ven biển Quảng Yên với các trung tâm phát triển trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận; đầu tư mở các nút giao trên tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với các khu công nghiệp, cảng biển tại Quảng Yên; đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng Vạn Ninh với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, cho biết: Việc đầu tư các tuyến giao thông kết nối sẽ giúp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các cảng biển, thuận lợi hơn trong việc chuyên chở hàng hóa từ sâu trong nội địa ra các cảng và ngược lại, góp phần giảm chi phí logistics.
Cải thiện dịch vụ hậu cần sau cảng
Tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh ngày 4/3/2023, nhiều chuyên gia nhận định: Quảng Ninh có tiềm năng, thế mạnh và thậm chí điều kiện kinh tế phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển. Tuy nhiên, để phát huy hết những tiềm năng đó, cần phải có chiến lược lâu dài, bài bản với những cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư tìm đến, nhất là đối với các nhà đầu tư làm dịch vụ sau cảng, như: logistics, kho bãi, vận chuyển, xếp dỡ…
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: Quảng Ninh cần lên kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng. Tập trung phát triển khu hậu cần đủ lớn tại các cảng biển với hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, luân kho, lưu chuyển, logistics. Cần phải có những đơn vị logistics đủ mạnh về tiềm lực cơ sở hạ tầng (kho bãi, thiết bị vận chuyển, công nghệ), tiềm lực tài chính để có thể thực hiện một chuỗi các dịch vụ hậu cần sau cảng.
Thực tế trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết tốt các thủ tục hành chính; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển. Từ đó, mọi dịch vụ hậu cần sau cảng được diễn ra thuận lợi, an toàn, kết nối liên thông, liên hoàn giữa các doanh nghiệp trong chuỗi vận chuyển hàng hóa, lưu kho. Riêng đối với Ngành Hải quan, hiện 6/6 chi cục hải quan đã hoàn thành kết nối hệ thống một cửa quốc gia (NSW), trong đó có 3 chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển; triển khai hệ thống giám sát hàng hóa ra vào cảng biển, kho bãi trên hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng Cái Lân, cảng Quảng Ninh, đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiệp vụ trong việc giám sát vận chuyển hàng hóa…, góp phần giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khắc phục được tình trạng ùn tắc cảng, kho, bãi.
Qua khảo sát, hiện trên địa bàn tỉnh có 59 doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động cảng biển, dịch vụ cảng biển. Nhờ những giải pháp đổi mới, nâng cao năng lực quản trị mà đến nay năng lực hoạt động của những doanh nghiệp này cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện tại, giữ chân được một số hãng tàu, tuyến tàu, khách hàng. Đối với dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, hiện tại có 19 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa từ tàu biển. Hàng năm những doanh nghiệp này đều bố trí nguồn lực đầu tư thêm thiết bị, công nghệ bốc xếp hàng hóa hiện đại (cẩu nổi, xe nâng), tiệm cận với hệ thống bốc xếp hàng hóa trong khu vực, đơn cử như: Công ty TNHH VTB Bạch Đằng, Công ty TNHH Huy Mạnh, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh. Do vậy, năng lực bốc xếp hàng hóa từ tàu biển của doanh nghiệp Quảng Ninh đã đạt 20.000 tấn/ngày, có khả năng giải phóng hàng hóa trên tàu biển có trọng tải đến 120.000 DWT.
Với những kết quả đạt được trong nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần sau cảng, từ năm 2019 đến nay, tổng sản lượng hàng hóa qua các cảng biển của Quảng Ninh đạt 581 triệu tấn, bình quân đạt 116,2 triệu tấn/năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2019 sản lượng hàng hóa qua cảng mới đạt 99 triệu tấn, thì đến hết năm 2022 đạt 131 triệu tấn. Tổng công suất khai thác hệ thống cảng biển của Quảng Ninh đạt khoảng 170 triệu tấn/năm, chủ yếu sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống khu bến Cái Lân, khu bến Cẩm Phả. Cũng trong giai đoạn này, tổng lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 130.242 lượt khách; tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khối cảng biển đạt trên 34 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 8,1 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước qua khu vực cảng biển bình quân đạt 10.000 tỷ đồng/năm.
Từ những mục tiêu đã được xác định về kinh tế cảng biển, được biết hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục huy động nguồn lực, xúc tiến đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn, trọng tâm là khu vực cảng Con Ong – Hòn Nét, cảng biển Hải Hà, cảng Nam Tiền Phong, các cảng khách tại Vân Đồn. Đi đôi với đó, tỉnh sẽ có những giải pháp nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng hiện hữu, đặc biệt là tại khu vực Cẩm Phả; đẩy nhanh tiến độ đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, cảng Vạn Gia mở rộng.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, tại hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh (4/3/2023), cho biết: Tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, các doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, dịch vụ hậu cần sau cảng, logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế, như: dịch vụ đại lý hàng hải, dịch vụ kho bãi, làm hàng container, chuyển tải và xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển…, tránh việc đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải, không tạo ra quy mô cạnh tranh và chất lượng dịch vụ đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.