Sáng 8-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống.
Ông Đậu Anh Tuấn – phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế VCCI – cho rằng các đạo luật thuế có vai trò quan trọng với các ngành hàng, trong đó ngành đồ uống chịu tác động một cách trực tiếp, rất lớn từ dự thảo lần này.
Cần thiết thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng cần có lộ trình phù hợp
Dự thảo đã bổ sung đối tượng chịu thuế với nước giải khát có đường, tăng mạnh thuế với các mặt hàng bia rượu. Ông Tuấn cho rằng việc thực hiện nghĩa vụ thuế là cần thiết nhưng cần xác đáng, thuyết phục và gắn với hiệu quả kinh doanh.
“Sắc thuế đưa ra cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo ổn định của hoạt động kinh doanh. Chính sách cần dựa trên lập luận, có căn cứ khoa học, với cái nhìn tổng quan. Mục tiêu áp thuế là tăng thu ngân sách, nhưng liệu tiêu dùng có giảm không, sức khỏe của người dân và việc làm, cạnh tranh ngành hàng thế nào?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.
Từ thực tiễn quản lý, ông Nguyễn Đức Lê – phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) – cho rằng việc tăng thuế sẽ là tin vui cho người kinh doanh sản xuất đồ uống bất hợp pháp, do lợi nhuận tăng lên.
Bởi sản phẩm rượu bia sản xuất hợp pháp phải tuân thủ nhiều quy định như các luật thuế, luật phòng chống tác hại rượu bia, môi trường, tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo và tiếp thị.
Trong khi đó đồ uống bất hợp pháp không phải tuân thủ các quy định này, nên việc áp thuế càng tạo thuận lợi cho sản phẩm kém chất lượng, hàng giả hàng lậu trà trộn vào thị trường. Điều đáng chú ý là các vụ việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện vi phạm, xử phạt liên quan đến sản phẩm đồ uống kém chất lượng còn hạn chế.
Bà Bùi Thị Việt Lâm (đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN) cũng cho biết tình trạng rượu bia phi chính thức đang là vấn nạn toàn cầu. Theo thống kê của Euromonitor, cứ 4 chai thì có 1 chai đồ uống là bất hợp pháp, chiếm 25%, khiến chính phủ nhiều nước thất thu hàng tỉ USD tiền thuế (3,6 tỉ USD/năm), nguy cơ sức khỏe tới người tiêu dùng.
Nhìn ở góc độ khác, TS Nguyễn Minh Thảo – trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) – cho biết nghiên cứu đánh giá tác động của việc áp dụng chính sách tăng thuế 10% với nước giải khát có đường thì hệ số co giãn của người lao động và vốn với ngành giảm 1,03%, tức quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Tác động lớn đến nhiều ngành sản xuất?
Về tác động đến nền kinh tế, áp thuế 10% cho ngành này sẽ tác động tới 24 ngành liên quan, và GDP nền kinh tế giảm 0,5% (dựa trên số liệu năm 2022), tương đương mất đi 27.800 tỉ đồng.
Với thuế gián thu, trong năm đầu tiên, nguồn thu này sẽ tăng, nhưng từ năm thứ hai sẽ bị giảm là 0,495%, tương đương ngân sách giảm là 5.200 tỉ đồng. Kéo theo đó doanh thu 25 ngành sản xuất giảm, khiến thuế trực thu giảm khoảng 3.200 tỉ đồng và giảm 2.000 lao động.
Ông Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – cho hay việc áp thuế có thể làm tăng nguồn thu thời gian đầu, nhưng về trung và dài hạn chưa rõ tính tổng thể. Đơn cử như việc tăng thuế nước giải khát có đường chưa chắc giảm tỉ lệ béo phì, vì còn nhiều nguyên nhân khác gây nên tình trạng này.
Hoặc việc tăng mạnh thuế với đồ uống có cồn có thể gây nên tình trạng giảm thu ngân sách trong thời gian dài và gây khó chồng khó cho doanh nghiệp trong ngành và các lĩnh vực liên quan như doanh nghiệp, vận tải, dịch vụ ăn uống, du lịch… Mức thuế hiện cũng đang có tính cào bằng nên khó có thể điều tiết hành vi tiêu dùng.
“Cần làm rõ hơn mục đích tăng thuế lần này, để tăng thu hay điều tiết tiêu dùng. Đảm bảo nguyên tắc, lợi ích trách nhiệm và tính khả thi, đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn hơn. Đa dạng nguồn thu nhưng không nên tận thu, mà phải nuôi dưỡng nguồn thu” – ông Lực đề nghị.