Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; công tác giám sát, quản lý chất lượng các sản phẩm OCOP cũng đã được các ngành chức năng quan tâm. Trong đó, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị… Qua đó, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã ngày càng vươn xa ra thị trường trong, ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 cấp tỉnh đã tổ chức 2 hội chợ OCOP cấp tỉnh, 12 hội chợ trên địa bàn tỉnh (trong đó, đã tổ chức 7 hội chợ, tuần lễ sản phẩm); tham gia 4 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Các hội chợ thu hút trên 120 nghìn lượt người đến tham quan mua sắm; tổng doanh thu bán hàng cả 22 hội chợ đạt trên 25 tỷ đồng, trong đó, doanh thu của khu gian hàng các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đạt 12 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 23 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; các điểm bán hàng OCOP đều có biển hiệu gắn logo OCOP, có giá kệ để xếp hàng hóa, có niêm yết giá. Các điểm bán hàng ngoài giới thiệu các sản phẩm OCOP trong tỉnh, còn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của các tỉnh thành trong cả nước; một số điểm còn có website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok…
Toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, sàn Voso có 160 sản phẩm đạt 40%; sàn TMĐT Postmart có 108 sản phẩm đạt 28%; sàn TMĐT OCOP tỉnh Quảng Ninh đang giới thiệu 393 sản phẩm OCOP đạt 100%. Các sản phẩm tiêu thụ tốt như: Trà hoa vàng Ba Chẽ, miến dong Bình Liêu, ruốc hàu Vân Đồn… Các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đưa lên các sàn thương mại điện tử đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong công tác giám sát, quản lý chất lượng, 6 tháng đầu năm, có 71 sản phẩm hết hạn đạt sao và tham gia chu trình OCOP; đồng thời tiếp tục rà soát các sản phẩm sắp hết hạn đạt sao. Các địa phương, đơn vị đã được yêu cầu và hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá phân hạng lại đối với các sản phẩm đã hết hạn sao theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các địa phương tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP như: Diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP 322,35 ha (27 cơ sở); 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm Nga, cá lăng) được chứng nhận VietGAP, diện tích 0,41 ha; 1 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với 329 ha quế; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 39 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương. Toàn tỉnh đã có 60 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; 9 cơ sở đóng gói (tăng 23% so với cùng kỳ). Đến nay, 100% sản phẩm OCOP đã được cấp mã vạch hoặc mã QR code (trừ sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch) cho 216 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao (trong đó, có 53 doanh nghiệp, 89 hợp tác xã, 74 hộ sản xuất).
Các giải pháp đồng bộ trong xúc tiến thương mại, giám sát và quản lý chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân; hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.