Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cấp tỉnh, cấp huyện đều thấp hơn so với cùng kỳ. Những tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian thích hợp để các cấp, các ngành, chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh trên 2 con số.
Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh sau khi được điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 22 là trên 12.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương trên 510 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 3.650 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 7.870 tỷ đồng. Với số nguồn vốn vừa được điều chỉnh, thì đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 41,6% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (44,6%). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đã thực hiện giải ngân đạt 53,3% kế hoạch; ngân sách tỉnh giải ngân đạt 38,8% kế hoạch; ngân sách huyện giải ngân đạt 42% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân những nguồn vốn này không đạt theo kỳ vọng và kế hoạch đề ra. Hiện có 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh (41,6%); còn lại 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh, gồm: Viện KSND tỉnh 29,8%, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT 7,9%, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh 20,7%, Công an tỉnh 27,4%, Bộ CHQS tỉnh 17,5%, TP Hạ Long 31,2%, TP Cẩm Phả 4,5%, TP Đông Triều 40%.
Riêng về nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, ngoài số nguồn vốn thanh quyết toán các dự án hoàn thành đảm bảo theo tiến độ đề ra, còn lại nguồn vốn cho các dự án chuyển tiếp và khởi công mới có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đối với 28 dự án chuyển tiếp trong năm 2024, đến nay mới giải ngân được trên 1.000 tỷ đồng. Mặc dù là nhóm dự án chuyển tiếp nhưng có 14/28 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh, trong đó một số dự án có kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân rất thấp, như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TP Đông Triều (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Đối với 16 dự án khởi công mới, kế hoạch vốn đã bố trí trên 2.500 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được trên 210 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch. Nếu không tính 5 dự án bổ sung kế hoạch vốn tại kỳ họp tháng 7/2024 của HĐND tỉnh, đến nay chỉ có 5 dự án đã khởi công, còn lại 1 dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, 2 dự án đang đấu thầu xây lắp, còn lại 3 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đang trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến khởi công trong quý IV/2024.
Với kết quả giải ngân đến hết tháng 10/2024, thì số vốn còn lại phải giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2024 và tháng 1/2025 khoảng 6.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 2.000 tỷ đồng/tháng. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành, chủ đầu tư của tỉnh phải hết sức nỗ lực, cố gắng.
Thực hiện Công điện số 104/CĐ-TTg (ngày 8/10/2024) của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương của tỉnh bám sát vào nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn chủ trì tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, vật liệu san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… và Chủ tịch UBND các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên được giao nhiệm vụ GPMB để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, kiểm đếm tiến độ, mức độ giải quyết những vướng mắc đã tồn tại từ đầu năm 2024 mà đến hết tháng 10/2024, vẫn chưa giải quyết xong làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án.
Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa bàn, dành tối đa các nguồn thu để bù đắp hụt thu tiền sử dụng đất, đảm bảo cao nhất kế hoạch đầu tư công năm 2024, đặc biệt là TP Hạ Long, đơn vị có kế hoạch vốn lớn, kết quả giải ngân của thành phố ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của toàn tỉnh trong năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo thực chất, không lạm dụng việc tạm ứng hợp đồng; quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2023/UBND-GTCN&XD ngày 26/7/2024.
Các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, UBND các địa phương tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý đầu tư công; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư được giao nguồn vốn chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng nhà thầu thi công công trình, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hoặc làm thất thoát tài sản, NSNN trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hiện trường, thay thế kịp thời các nhà thầu có năng lực yếu kém; kiên quyết không để xảy ra tình trạng thông thầu, bán thầu; phối hợp, bám sát các cơ quan chức năng để giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, quyết liệt triển khai tất cả các biện pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.
Theo tính toán của Sở KH&ĐT, dự kiến đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 95% kế hoạch vốn sau điều chỉnh, góp phần tối đa cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024.