Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động xây dựng môi trường ANCT-TTATXH đảm bảo cho các mục tiêu trọng điểm về phát triển KT-XH. Nổi bật là Nghị quyết 04NQ/TU (ngày 23/3/2021) của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an trong phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác đảm bảo ANCT-TTATXH, xây dựng môi trường lành mạnh cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Với quan điểm công tác bảo đảm ANTT đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của cấp ủy đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của chính quyền các cấp, Nghị quyết 04-NQ/TU đặt ra yêu cầu giữ vững an ninh quốc gia, TTATXH, phòng chống các nguy cơ an ninh phi truyền thống, gắn chặt bảo đảm ANTT với phát triển KT-XH và bảo đảm vững chắc quốc phòng trong mọi chủ trương, chiến lược, chính sách…
Cụ thể hoá Nghị quyết, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã đề ra và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Đảng bộ Công an tỉnh luôn tạo được sự chủ động trong công tác nắm tình hình, tập trung thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về ANTT trên địa bàn, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề trọng tâm, bức xúc đặt ra trong từng thời điểm, giữ vững được an ninh chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt công tác, không để bị động, bất ngờ, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững. Những chủ trương, chính sách ưu đãi của tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại cảng biển, than, điện, xi măng… Để góp phần thu hút đầu tư cho tỉnh, xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, lực lượng công an tỉnh cũng đã làm tốt công tác quản lý hành chính, kết hợp chặt chẽ với công tác nghiệp vụ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và du khách được thuận lợi trong quá trình giải quyết các thủ tục tư pháp liên quan.
Trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Một trong những giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC thời gian qua là đơn vị đã tiến hành số hóa hoàn toàn 100% hồ sơ nghiệp vụ; thu phí, lệ phí 100% qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an đối với thủ tục Thẩm duyệt thiết kế về PCCC bằng hình thức thanh toán trực tuyến; đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn liên quan đến công tác PCCC. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đồng thời, đề xuất, tham mưu nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận, tham gia thực hiện lĩnh vực dịch vụ công quan trọng này.
Trong bối cảnh thách thức an ninh phi truyền thống như khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, di cư thiếu kiểm soát, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… ngày càng gia tăng, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát tình hình trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường phát triển KT-XH lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH du thuyền Bhaya, cho biết: Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi thấy môi trường đầu tư kinh doanh nơi đây hết sức thuận lợi. Trong đó, lực lượng Công an luôn có sự đồng hành quyết liệt với doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, chúng tôi xác định Quảng Ninh là môi trường kinh doanh lâu dài.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã tích cực đổi mới công tác tổ chức cán bộ, theo hướng tăng cường sức mạnh cho Công an cấp huyện và lực lượng mũi nhọn trực tiếp chiến đấu. Việc bố trí điều tra viên về Công an cấp xã vừa tăng tiềm lực cho lực lượng cơ sở, vừa giảm tải áp lực với cơ quan cấp trên. Nhờ đó, công tác giữ gìn TTATXH trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, đã kiềm chế sự gia tăng tội phạm, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, không có tụ điểm ma tuý, hình sự và tệ nạn xã hội kéo dài.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04 của BTV Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an toàn tỉnh; tăng cường công tác xây dựng Đảng; thực hiện nghiêm túc quy trình bố trí nhân sự Công an tham gia cấp ủy địa phương; quy hoạch, kiện toàn cấp ủy gắn với quy hoạch, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% đồng chí Bí thư Công an xã, phường, thị trấn tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn có cơ cấu từ 05 ủy viên trở lên.
Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ cho cán bộ chiến sĩ đáp ứng các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đặc biệt, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm tội phạm một cách bền vững, phấn đấu kéo giảm 5% số vụ tội phạm về trật tự xã hội so với giai đoạn 2016-2020, không để tội phạm hoạt động công khai, lộng hành, tội phạm có tổ chức gây bức xúc trong dư luận.