Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước biển. Để phát triển nghề biển theo hướng bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các lực lượng chức năng, địa phương ven biển đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy hải sản; rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Với 35km chiều dài bờ biển, cùng diện tích biển và bãi biển khoảng 23.620ha, vùng biển ở huyện Hải Hà có nhiều loại hải sản quý sinh sống như tôm, cua, cá, sò huyết, sá sùng. Bởi vậy, không chỉ ngư dân trên địa bàn huyện mà ngư dân ở các địa phương khác trong tỉnh và ngư dân tỉnh ngoài cũng đến để khai thác thuỷ sản. Để phát triển thủy sản bền vững, thời gian qua, huyện Hải Hà đã tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, tăng cường các giải pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Điển hình như tại xã ven biển Đường Hoa có tới 2/3 dân số làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Xã đã được tỉnh quan tâm, đầu tư âu tàu để ngư dân có bến đỗ, neo đậu sau những chuyến đi biển dài ngày. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá để xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quốc tế và nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Xuân (thôn Tiến Tới, xã Đường Hoa) cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền thì ngư dân đã dần hiểu ra và tuân thủ nghiêm các quy định, nhất là luôn cập nhật, trình báo hành trình đánh bắt, di chuyển đầy đủ; khi phát hiện các tàu đánh bắt trái phép sẽ thông tin đến các lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Mặc dù tăng cường kiểm tra, chống đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép, nhưng vùng biển Hải Hà không chỉ có ngư dân địa phương, mà còn ngư dân ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và ngư dân các tỉnh khác đến khai thác thủy sản nên công tác quản lý gặp khó khăn. Trong năm 2023 Công an huyện Hải Hà đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, lập biên bản xử lý 25 trường hợp tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Phạt tiền trên 177 triệu đồng.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ngư dân chấp hành đúng quy định trong khai thác, đánh bắt thủy sản, huyện Hải Hà cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện Hải Hà đã tích hợp quy hoạch không gian nuôi biển vào quy hoạch chung của tỉnh với diện tích là 2.570ha, trong đó chia thành 6 khu vực nằm trong vùng 3-6 hải lý. Đồng thời, lên sơ đồ 4 khu vực để người dân đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển và 2 khu vực thu hút đầu tư các HTX.
Để góp phần gỡ thẻ vàng IUU đối với thuỷ sản Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Chỉ thị số 18 (ngày 1/9/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua các địa phương và lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cán bộ, chính quyền các cấp và ngư dân về pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU; hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; nâng cao tỷ lệ kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU trên biển, tại các cảng cá, bến cá.
Theo Sở NN&PTNT, tổng số tàu cá toàn tỉnh đã được đăng ký, thống kê để quản lý đến ngày 29/2/2023 là 5.556 chiếc. Trong đó có 245/245 tàu cá từ 15m trở lên, 100% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Định kỳ 10 ngày sẽ gửi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, UBND địa phương trong tỉnh và các tỉnh/thành phố ven biển để nắm bắt, phối hợp, kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định. Thông qua công tác phối hợp và tuần tra kiểm soát, quý I/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát hiện xử lý 21 vụ với 23 phương tiện tàu cá vi phạm, tuy nhiên không có trường hợp nào vi phạm IUU. Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý.