Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại diện tổ đại biểu TP Cẩm Phả chất vấn: Việc quản lý động vật đã được pháp luật quy định tại Luật Chăn nuôi năm 2018- Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về Phòng, chống bệnh dại ở động vật; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, lĩnh vực thú y. Tuy nhiên, qua tìm hiểu số lượng người phải tiêm phòng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại trên địa bàn tỉnh khá lớn. Điển hình như vào ngày 25/7/2023 xảy ra trường hợp 1 người dân tại TP Móng Cải bị chó cắn với hàng trăm vết thương trên cơ thể, gây tổn thương nặng, 1 trường hợp tử vong do dại tại huyện Hải Hà (nguồn suckhoedoisong.vn). Đây là vấn đề cần đuợc quan tâm, có giải pháp quyết liệt để bảo vệ người dân trong điều kiện số lượng lớn động vật như chó, mèo hiện đang được thả rông ngoài đường.
Do đó, đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan về thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, giải pháp nào trong việc quản lý động vật nuôi (chó, mèo) nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; kết quả triển khai trong năm 2022 và năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:
Thời gian qua, bệnh dại phát sinh phức tạp trên địa bàn tỉnh, ghi nhận tại 6 địa phương với 11 sự kiện chó phát bệnh dại, nghi dại đã có 144 người phải điều trị dự phòng phơi nhiễm và gây tử vong 2 người. Nguyên nhân chính do: (1) Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đàn chó, người nuôi chó không chấp hành việc nghiêm túc trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (2) Theo báo cáo của các địa phương, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ cao (trung bình trên 80%), tuy nhiên thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng; (3) Chưa thành lập các đội, tổ chuyên trách để xử lý bắt chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin dại tại địa bàn; (4) Việc xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ- CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; (5) Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 16/3/2022 về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2023 và các văn bản chỉ đạo, theo đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (1) Chủ trì tham mưu phòng, chống bệnh dại; (2) Thành lập đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin phòng, vi rút gây bệnh dại; (3) Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí giám sát chủ động phát hiện vi rút gây bệnh dại; (4) Xây dựng chương trình phối hợp với Sở Y tế trong trao đổi thông tin, phối hợp phòng, chống bệnh động vật lây sang người; (5) Tổ chức tổng kết công tác phòng, chống bệnh động vật và triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó (mèo).
Kết quả thực hiện:
Năm 2022: Tỉnh ghi nhận 1 ổ bệnh dại trên chó tại Móng Cái, không ghi nhận trường hợp tử vong do dại (giảm 3 ca so với cùng kỳ năm 2021). Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó được: 92.500 liều (đạt 95% kế hoạch).
Năm 2023: Lũy kế 11 tháng, toàn tỉnh xảy ra 11 ổ dịch bệnh dại trên chó trên địa bàn 6 địa phương; đã xử lý tiêu hủy 62 con chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại; đã có 2 người chết và 144 người phơi nhiễm với bệnh dại. Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó được 94.534 liều (đạt 99% kế hoạch năm).
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới:
Để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả; căn cứ Luật Thú y, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn phòng, chống bệnh dại tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 16/3/2022 về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2023, theo đó tập trung: (1) Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng trừ; (2) UBND các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập đội bắt giữ chó thả rông, chó không tiêm phòng và xử lý nghiêm các chủ nuôi không chấp hành quy định về phòng chống bệnh dại; (3) Thống kê chính xác chủ nuôi chó, số lượng chó, cập nhật biến động về tổng đàn và tổ chức tiêm phòng vắc xin đại trà, tiêm phòng bổ sung đạt 100% tổng đàn thuộc diện tiêm; (4) Năm 2024-2025, xây dựng thí điểm vùng an toàn bệnh dại cấp xã tại thành phố Hạ Long và Uông Bí và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong các năm tiếp theo. Đảm bảo khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2030; (5) Yêu cầu sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương, từ xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Chấp hành nghiêm Hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Quy định quản lý chó, mèo nuôi; tiêm phòng vắc xin dại bắt buộc; quy định về xử lý ổ dịch bệnh dại; xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống bệnh dại của các chủ vật nuôi, chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm túc phụ lục số 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai không nghiêm túc công tác phòng, chống bệnh dại động vật.