Ngày 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các ý kiến đánh giá đây là một dự án luật khó và đặt vấn đề sửa luật trên tinh thần cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước…
Xem xét sửa luật trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật. Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật gồm 8 chương, 62 điều, dự thảo luật điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”.
Việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng của luật bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, đây là dự án luật khó do đó cần xem xét luật sửa đổi lần này đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng hay chưa?
Đặt vấn đề sửa luật trên tinh thần cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thay đổi cơ cấu và phát triển doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước.
Theo đó, việc tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước có chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp; chức năng quản trị kinh doanh doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Việc sửa luật lần này phải nhấn mạnh đến tăng cường phân cấp, phân quyền.
Tránh tạo khoảng trống pháp lý
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, sửa đổi, xây dựng luật mới cũng cần tách bạch nội dung nào Quốc hội quy định, nội dung nào Chính phủ và các bộ, ngành quy định. Đồng thời, cần làm rõ các quy định của dự thảo luật đã bảo đảm tính đồng bộ với quy định của pháp luật hay chưa, nhất là với những luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội về việc đây là dự án luật khó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo luật thay thế toàn bộ bố cục, cách tiếp cận, điều chỉnh rất nhiều nội dung cụ thể, bổ sung nhiều quy định mới so với Luật số 69/2014/QH13. Trong đó có nhiều nội dung quy định hạn chế hơn đối với hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ. Nhưng cơ quan soạn thảo chưa có báo cáo giải trình về lý do nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế và đánh giá tác động các nội dung sửa đổi này tới hoạt động của doanh nghiệp, chưa thiết kế hết các chi tiết và quy định chuyển tiếp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Điều 2 dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ là không phù hợp. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc việc bổ sung đối tượng này để bảo đảm tính bao quát các trường hợp có vốn đầu tư nhà nước; quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn lực nhà nước tại doanh nghiệp, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí cũng như tránh tạo khoảng trống pháp lý.