Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước, nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ở các vùng nông thôn. Đây là một chương trình tổng thể nên đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Hiện cả hai giai đoạn từ năm 2010 đến hết 2020, tổng nguồn vốn từ nhà nước đầu tư cho chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp và nhất là người dân còn lớn hơn rất nhiều. Vậy nên, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân là hết sức cần thiết.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Trên quan điểm định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ thể chính xây dựng NTM là nông hộ.
Với cách làm sáng tạo riêng của Quảng Ninh, đến nay 100% địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành và đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chính thức là địa phương đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Để minh chứng về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM cho thấy, khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đầm Hà gặp không ít khó khăn, thách thức bởi 1/3 số xã thuộc địa bàn 135; địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp; trình độ và tập tục canh tác lạc hậu; thu ngân sách địa phương hạn chế… Trong khi hàng loạt các tiêu chí, chỉ tiêu còn ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn chung.
Từ thực tiễn, cùng sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ về nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách và các nghị quyết, đề án cụ thể của tỉnh Quảng Ninh theo từng giai đoạn như: Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, thể chế hóa bằng các nghị quyết, đề án cụ thể, phù hợp sát với thực tiễn của địa phương; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng NTM, đặc biệt cấp cơ sở và vai trò chủ thể của người dân.
Việc kết hợp các giải pháp đồng bộ gắn với phát huy hiệu quả các nguồn lực của địa phương thông qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM. Vì vậy, người dân ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ thể, trở thành người trực tiếp thực hiện, người trực tiếp thụ hưởng thành quả của quá trình xây dựng NTM.
Theo đó, tổng nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao của huyện Đầm Hà từ 2010 đến 2023 là 5.272.538 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương: 100.032 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 561.727 triệu đồng; ngân sách huyện: 92.103,32 triệu đồng. Vốn lồng ghép và huy động: 4.518.675,7 triệu đồng. Và như vậy, sự đóng góp công sức, của cải vật chất của người dân và doanh nghiệp là rất lớn.
Năm 2023 giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của Đầm Hà tăng gấp 7 lần so với năm 2010, tăng 1,5 lần so với thời điểm huyện được công nhận NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 70,7 triệu đồng/người/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2010, tăng gần 1,16 lần so với năm 2020.
Cũng như huyện Đầm Hà, để trở thành huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, Bình Liêu đã có sự đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân chính là chủ thể trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu. Đơn cử như tiêu chí môi trường thì đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng giờ đây nếp sinh hoạt, thói quen, tập tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư và cảnh quan môi trường nông thôn đã có thay đổi rõ nét, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình, tuyến đường, khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp do chính người dân tự bỏ công lao động, đóng góp kinh phí làm nên.
Có thể nói, người dân trực tiếp tham gia trong phát triển kinh tế, tổ chức lại sản xuất, xây dựng hạ tầng thiết yếu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng đời sống mới và quản lý xã hội, xây dựng và giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự… Họ góp ý, góp công, góp sức, góp tiền, góp đất, thời gian… và vai trò chủ thể của người dân thể hiện rõ nét.