Trong thiết kế một mỏ than hầm lò, khi xây dựng biểu đồ khai thác, các kỹ sư thường nghiên cứu, khảo sát và lập chi tiết thời gian vận tải than, đất đá, vật liệu, máy móc thiết bị và nhân công. Càng khai thác xuống sâu, những yếu tố này càng cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả sản xuất và công tác an toàn lao động. Do vậy, trong những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quan tâm đặc biệt và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác vận tải ở các mỏ hầm lò.
Trong điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu, đi xa như hiện nay, công tác vận tải nhân công được xem là khâu quan trọng hàng đầu với các mỏ khai thác than hầm lò và được các mỏ đầu tư tương đối đồng bộ. Đầu tư cho công tác đi lại là yếu tố quan trọng hàng đầu để cải thiện điều kiện làm việc cho nhân công hầm lò; giúp các mỏ tăng thời gian lao động hữu ích, từ đó tăng hiệu quả sản xuất.
Theo đó, các đơn vị đã quan tâm, đầu tư mua sắm lắp đặt các thiết bị vận chuyển người và vật tư thiết bị trong hầm lò. Đến nay, cơ bản các cung đường chính không còn để tình trạng người lao động phải đi bộ trong lò bằng cung độ quá 500 mét; trong đường lò dốc cung độ quá 150 mét và vận chuyển vật tư thiết bị thủ công trong lò thượng quãng đường quá 30 mét.
Theo Ban Cơ điện TKV, số đường lò đã lắp đặt thiết bị chở người tại các đơn vị khai thác than hầm lò hiện có 191 hệ thống với tổng chiều dài đi lại 148.985m. Tổng số thiết bị đã đầu tư lắp đặt phục vụ công tác vận chuyển vật tư, thiết bị là 2.211 bộ.
Công ty Than Hòn Gai – TKV cũng là đơn vị đầu tư khá bài bản cho công tác vận tải, phục vụ việc đi lại cho công nhân trong hầm lò. Hiện nay, từ các mặt bằng sân công nghiệp đến các khu vực sản xuất trong lò của Than Hòn Gai đều được thông qua hệ thống tời chở người qua giếng nghiêng chính. Tại các đường lò trung gian, mỏ trang bị xe toa chở người vào đến gần các khu sản xuất.
Ông Đào Công Vĩnh, Phó Giám đốc Công ty khẳng định, hiện nay, Than Hòn Gai không còn tuyến đường lò nào có công nhân đi bộ trên 500m, đảm bảo theo yêu cầu của Tập đoàn. Hệ thống vận tải được đầu tư đã giúp rút ngắn thời gian đi lại trong lò, đến vị trí sản xuất; đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người lao động và nâng cao công tác an toàn cho Than Hòn Gai.
Còn đối với công tác vận tải than, đất đá, vật tư, thiết bị, đa phần các đơn vị cũng đã áp dụng hệ thống vận tải liên tục như: vận tải than bằng hệ thống máng cào, băng tải từ trong lò ra ngoài; vận tải đất đá bằng máy xúc lên goòng, kéo bằng tàu điện ắc quy và trục kéo; vận tải vật tư thiết bị bằng tời trục kết hợp với goòng và tích chuyên dùng…
Về vận tải than và đất đá bằng băng tải, các đơn vị sản xuất than hầm lò tiếp tục đầu tư lắp đặt các hệ thống vận tải liên tục bằng băng tải thay thế các hình thức vận tải bằng máng cào. Theo thống kê của Ban Cơ điện TKV, số băng tải tại các mỏ hầm lò tính tới thời điểm hiện nay là 1.385 bộ. Trong đó, các đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống tự động hóa giám sát điều khiển cho các tuyến băng tải tại các tuyến vận tải chính với số lượng 47 hệ thống/64 hệ thống.
Về vận tải bằng đường sắt, các đơn vị đã xây dựng cơ bản đầy đủ hồ sơ quản lý vận hành hệ thống vận tải đường sắt và thiết bị vận tải đường sắt; tiếp tục đầu tư, cải hoán đầu tầu một ca bin thành đầu tầu hai ca bin để nâng cao mức độ an toàn trong quá trình sản xuất. Tới thời điểm hiện tại đã có 08 đơn vị thực hiện gồm: Than Mông Dương, Hạ Long, Quang Hanh, Hà Lầm, Hòn Gai, Uông Bí, Vàng Danh, Nam Mẫu. Các đơn vị còn lại đang triển khai là: Than Dương Huy, Mạo Khê. Tổng số đầu tầu điện ắc quy hai ca bin của các đơn vị trong TKV hiện có là 112 cái/427 cái.
Với loại hình vận tải bằng tời trục giếng nghiêng, TKV đang quản lý, sử dụng 102 hệ thống tời trục giếng nghiêng. Ngoài ra, TKV cũng đang quản lý, sử dụng 7 hệ thống tại các mỏ than hầm lò, gồm: Than Mông Dương, Than Hà Lầm, Than Núi Béo. Các hệ thống này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Quản đốc Phân xưởng Vận tải Giếng đứng, Công ty CP Than Núi Béo – Vinacomin, trung bình một ngày đêm sản xuất, hệ thống trục tải giếng đứng chính vận chuyển từ 2.100 – 2.400 người. Ngoài ra, hệ thống này cũng vận tải than và đất đá lên mặt bằng với sản lượng bình quân đạt từ 7.000 – 9.000 tấn than nguyên khai/ngày.
Hiện nay, đa số các đơn vị đã đầu tư hệ thống vận tải chở người, thiết bị, vật tư trong lò với 7 loại thiết bị như monoray, song loan, hệ thống tời, cáp. Hầu hết các loại hình vận tải trong lò trên thế giới của các nước như CH Séc, Ba Lan, Trung Quốc… đã được áp dụng. Như vậy, có thể khẳng định, công tác vận tải trong lò của TKV đã có nhiều đột phá so với giai đoạn trước; góp phần đảm bảo hiệu quả vận hành mô hình khai thác than hầm lò của TKV, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đầu tư cho công tác vận tải hầm lò, TKV cũng đồng thời thúc đẩy triển khai đồng bộ mô hình mỏ hầm lò hiện đại, năng suất cao và an toàn trong tương lai.