Từ nay đến cuối năm, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng sẽ được triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Doanh thu thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Thị trường hàng hóa tháng 8 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm thực phẩm tăng trong dịp Rằm tháng 7.
Bên cạnh đó, nhu cầu vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng cao để chuẩn bị cho năm học mới. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.
Về nhóm mặt hàng thực phẩm, mặt hàng thịt lợn có giá tương đổi ổn định. Tại một số địa phương, do tình hình mưa nhiều gây ngập lụt, nguồn cung các loại rau củ giảm nên giá biến động tăng nhẹ. Tại các hệ thống phân phối hiện đại, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm giữ ổn định, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, với diễn biến đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,5%; may mặc tăng 8,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 9,7%; du lịch lữ hành tăng 7,1%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.
“Nhìn chung, trong 8 tháng năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến và hiện vẫn giữ ở mức ổn định. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Dù vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, song nhận định về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm nay, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương chỉ rõ, ngoại trừ giai đoạn dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10-11% thì vài năm trở lại đây, chỉ tiêu này có tốc độ tăng chậm lại. Nguyên nhân là bởi tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hoá có sự gia tăng không cao (chỉ tăng 7,3% trong 8 tháng đầu năm 2024).
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh thông tin, mặc dù tổng mức tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tăng, nhưng trị giá hàng hóa tiêu dùng lại giảm. Điều này cho thấy người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, chỉ quan tâm đến nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Tăng cường kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến nhiều diện tích trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng, dự kiến, thị trường hàng hoá nội địa sẽ phải đối diện với sức ép tăng giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho biết, hiện nay, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
“Chưa kể, thị trường nội địa hiện nay còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, đặc biệt trong thương mại điện tử còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính” – ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Để thúc đẩy thị trường nội địa, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngày 14/9, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Trong đó yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hoá đến các địa phương cả nước. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó trọng tâm là Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia tổ chức vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Về phía các địa phương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh công bố chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025.
Theo Sở Công Thương, chương trình năm nay thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023). Chương trình cũng mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, in laser…) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…
Đáng chú ý, lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm 21%-32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng tết. Ngoài chương trình nói trên, từ nay đến cuối năm, hàng loạt chương trình khuyến mãi tập trung như “Tưng bừng mua sắm hè”, “Rộn ràng mua sắm mùa xuân”… cũng sẽ được Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện để góp phần tăng sức mua.
Tại Hà Nội, từ nay đến cuối năm, trong tháng 11/2024, sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2024 được triển khai trên địa bàn toàn thành phố. Sự kiện phát động khoảng 800 đến 1.000 điểm khuyến mại và 50 Điểm Vàng khuyến mại.
Trong Tháng Khuyến mại sẽ diễn ra nhiều sự kiện như “Lễ hội mua sắm Hà Nội – HaNoi shopping Festival”, “Hà Nội siêu hội mua sắm – HaNoi Mega Sale”, “Ngày Vàng Giá shock”… Tháng 11/2024 sẽ tiếp tục diễn ra Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ – Ha Noi Midnight Sale, từ ngày 29/11 đến 30/11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử… Hoạt động giảm giá sẽ áp theo từng khung giờ với mức ưu đãi “Càng khuya – Càng giảm”.
Bên cạnh các sự kiện chính, trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại để hưởng ứng chương trình cũng sẽ được xem xét triển khai, tổ chức một cách có hiệu quả nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam, tiêu biểu như: Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”; Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội 2024; Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại các kênh phân phối; Tổ chức mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP…