Trong tháng 7 qua, Quảng Ninh đưa thêm 2 công trình giao thông cửa ngõ kết nối vào khai thác, kéo ngắn quãng đường, thời gian di chuyển đến Hải Phòng và Lạng Sơn. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho giao thương, hợp tác, phát triển kinh tế giữa các khu vực, mà còn từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh đa cực, đa trung tâm, phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.
Kết nối nhanh với khu vực
Nằm tại vị trí nổi bật, là trung tâm của 2 hành lang kinh tế (Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ; sở hữu đa dạng phương thức giao thông, có các cửa khẩu quốc tế…, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối giao thương quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, chủ động nắm bắt các cơ hội, tiềm năng, lợi thế riêng có…, trong vòng 10 năm trở lại đây Quảng Ninh đã tập trung khai thác, phát huy tốt nội lực, đồng thời tăng cường thúc đẩy, hợp tác liên kết vùng. Khởi động từ năm 2014, chuỗi các dự án giao thông động lực, trọng điểm được bắt đầu là cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc đường bộ đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Chỉ sau 2 năm, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách chuyên biệt Hạ Long đại diện cho cánh cửa bầu trời và cánh cửa đại dương nối thẳng với thế giới, được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp. Năm 2022, Quảng Ninh chính thức hoàn thành chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, hoàn thành cả 3 cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực và thế giới.
Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nối tiếp đà phát triển, trong giai đoạn mới tỉnh ưu tiên bố trí, sử dụng vốn NSNN như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021-2025 Quảng Ninh bố trí gần 60.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng bằng việc đầu tư các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đây là 2 nút giao lớn nhất tỉnh, đóng vai trò gắn kết hạ tầng giao thông khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội.
Cùng với đó, triển khai đầu tư đường ven sông nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 40km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Quảng Ninh phối hợp với TP Hải Phòng để đầu tư, triển khai các cầu Bến Rừng, Lại Xuân nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương; đầu tư các tỉnh lộ nối Hạ Long với Lạng Sơn, Bắc Giang, đây là những tuyến đường không chỉ kéo gần khoảng cách, thời gian đi lại giữa các tỉnh, mà còn kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch liên vùng.
Năm 2024, năm bản lề hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh và Hải Phòng đã chính thức hoàn thành và đưa cầu Bến Rừng cùng đường nối vào khai thác. Tháng 7/2024 Quảng Ninh tiếp tục đưa tỉnh lộ 342 nối Hạ Long – Ba Chẽ – Lạng Sơn vào khai thác, gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII. Đây là 2 công trình kết nối liên vùng mới, không chỉ đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, kiến tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, mà còn trở thành động lực mới cho khu vực vùng cao của tỉnh. Từ đó hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống nhân dân; biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Đây chính là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế. Trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, đồng bộ, toàn diện, hiện đại, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ, lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.
Trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng, bổ sung xây dựng mới một số tuyến có tính kết nối, nhu cầu vận tải cao; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển kết nối các vùng đô thị để phân bổ lưu lượng giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc, hình thành những “mạch máu” giao thông quan trọng… Điều này sẽ là cơ sở để tỉnh triển khai các quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực. Từ đó hình thành mạng lưới giao thông hợp lý, thống nhất, tạo sự chia sẻ, lan tỏa và Quảng Ninh sẽ kết nối nhanh với khu vực, đóng vai trò là trung tâm phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.
Cộng hưởng lợi ích kinh tế liên vùng
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh”. Điều mà Tổng Bí thư trăn trở đã được Quảng Ninh xác định rất rõ ngay trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, đó là: Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trên cơ sở đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội – Móng Cái dài gần 300km, trong đó Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km. Trục cao tốc này kết nối hàng loạt KCN, các đô thị… nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng.
Việc hình thành trục kết nối đã giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân…; rút ngắn khoảng cách giao thông, góp phần giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của vùng và quốc gia; tham gia trực tiếp vào tuyến đường cao tốc ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế Bắc Bộ, kết nối giao thương ASEAN với nước bạn Trung Quốc.
Song song với đó, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông kết nối khác để hình thành chuỗi liên kết vùng, như đường nối Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng… là những công trình hình thành trên cơ sở hợp tác, phối hợp cùng đầu tư để lan tỏa lợi ích. Quảng Ninh sẵn sàng chia sẻ sân bay và cảng biển với Lạng Sơn, Bắc Giang bằng những tuyến đường kết nối mới; đưa biển đến gần hơn với Lạng Sơn để giao lưu du lịch; đưa cửa khẩu quốc tế gần hơn với Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương để phát triển các ngành công nghiệp; chia sẻ cao tốc với Vùng Đồng bằng sông Hồng để đến thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc nhanh hơn.
Những kết nối này dù đang tiếp tục hình thành, nhưng hiệu quả bước đầu đã rõ khi tại mỗi địa phương, GRDP năm sau đều tăng so với năm trước, Quảng Ninh có 9 năm liên tiếp GRDP tăng trưởng ở mức 2 con số, trở thành những tỉnh tiêu biểu về phát triển ở khu vực miền Bắc. Năm 2023 Quảng Ninh thu hút vốn FDI trên 3,13 tỷ USD, đưa Quảng Ninh sánh bước cùng Hải Phòng trở thành 2 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Có thể thấy, những công trình liên kết vùng của Quảng Ninh đang rất phù hợp, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy kết nối giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Điều này đang đúng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng. Từ đó phá đi rào cản còn thiếu của mỗi địa phương bằng sự bù đắp từ các địa phương khác trong kết nối; tạo sự phân bố đồng đều từ những lợi thế riêng có, để các lợi thế cộng hưởng thành lợi ích của cả vùng.