Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, ngay từ Quý I, Quảng Ninh đã vào cuộc quyết liệt tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho KT-XH phát triển nhanh, bền vững.
Xác định cải cách hành chính là khâu then chốt góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính một cách toàn diện trên 6 nội dung gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đến nay, toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” bao gồm: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số cơ quan, trả kết quả gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử gắn với áp dụng chữ ký số không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh được rà soát, cắt giảm từ 40 đến 60% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương.
Hiện, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.775 thủ tục hành chính, tổng số thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh là 1.251 thủ tục hành chính. Toàn tỉnh có 1.245 thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đã được thiết lập, niêm yết, công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp đạt trên 98%, trên 90% tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tiếp nhận 26.310 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó tiếp nhận mới 23.806 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang 2.504 hồ sơ. Hiện đã giải quyết được 24.931 hồ sơ, trong đó đúng hạn và trước hạn 24.869 hồ sơ đạt 99,75%.
Với quan điểm doanh nghiệp có phát triển thì tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo… Vì thế, những năm qua, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ. Qua đó, tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên, hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ, du lịch… Điều này tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Chỉ tính riêng trong Quý I, toàn tỉnh đã có 510 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc được thành lập mới, tăng 8,1% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký đạt 4.952 tỷ đồng tăng 124,3% so với cùng kỳ; số vốn đăng ký bình quân đạt 14,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; 277 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế, đến nay có 16.981 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký đạt 346.642 tỷ đồng. Về phát triển HTX, trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 55 HTX được thành lập mới chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Lũy kế hiện tại tỉnh có 590 hợp tác xã đăng ký hoạt động, 100% có kê khai thuế.
Như vậy có thể thấy, những nỗ lực của tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đã tạo môi trường an toàn, thuận lợi để Quảng Ninh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư vào địa bàn; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.