Không thể phủ nhận thị trường trò chơi trên truyền hình (gameshow) hiện nay ngày càng phong phú, tạo nên diện mạo giải trí nhiều màu sắc. Có thể thấy số chương trình tập trung vào yếu tố giải trí chiếm phần lớn, rất ít chương trình mang tính giáo dục. Nhưng không phải chương trình nào cũng được khán giả đón nhận bởi vẫn còn những chương trình nhiều “sạn”, không có chiều sâu, cũng không truyền tải thông điệp có giá trị.
Trong số hàng trăm gameshow đang trình chiếu hiện nay, có chương trình được nhà sản xuất sáng tạo nội dung, có chương trình mua bản quyền từ nước ngoài. Nhiều gameshow khai thác các yếu tố giải trí đơn thuần, tập trung nhiều về ngoại hình, thời trang…
Chưa kể, không ít chương trình sử dụng đủ chiêu trò, cố tình tạo tranh cãi bằng phát ngôn gây sốc hay bằng “kịch tính” giữa các người chơi. Thậm chí, một số chương trình có kịch bản lạm dụng yếu tố thiếu lành mạnh, dung tục.
Những thực tế này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, nhất là giới trẻ. Về lâu dài, các chương trình như vậy sẽ nguy cơ khiến giới trẻ có thể nhận thức lệch lạc, chỉ tin vào các giá trị phù phiếm và sự hào nhoáng bên ngoài mà không tiếp tục tìm kiếm, phát triển các giá trị bên trong cũng như tài năng cá nhân; phần nào kéo lùi thị hiếu của một bộ phận khán giả, từ đó, có thể hình thành một lớp công chúng dễ dãi, thiếu chính kiến.
Vẫn biết yếu tố giải trí là cần thiết để thu hút khán giả nhưng rõ ràng các nhà sản xuất cũng cần xác định rõ trách nhiệm xã hội, đặt chất lượng của chương trình lên hàng đầu. Hơn nữa, một chương trình nếu chỉ biết câu khách bằng ngôn từ, hình ảnh, hành động phản cảm thì sớm muộn cũng sẽ nhận về sự chê trách từ dư luận.
Vì thế, thay vì tràn ngập yếu tố giải trí, nhà sản xuất có thể hướng đến xây dựng các chương trình giàu tính giáo dục, lành mạnh và phù hợp với khán giả trẻ. Các nhà đài cũng cần ủng hộ bằng cách tăng thời lượng cho các gameshow mang tính giáo dục, có giá trị trong xây dựng phẩm chất đạo đức của mỗi người, bởi vẫn có một bộ phận khán giả không hề nhỏ yêu thích những chương trình vui nhưng để học, mang lại giá trị về kiến thức, khoa học, văn hóa; nhất là các bạn đang trong tuổi đến trường, cần trau dồi thêm kiến thức về khoa học thường thức, văn học, lịch sử…
Về phía các cơ quan quản lý, để nâng cao chất lượng các chương trình trò chơi truyền hình, cần kết hợp phương thức tiền kiểm và hậu kiểm. Tiền kiểm giúp kiểm tra và điều chỉnh nội dung trước khi phát sóng, trong khi hậu kiểm bảo đảm các vi phạm sẽ được xử lý nghiêm sau khi phát sóng. Do đó, sự kết hợp giữa hai khâu này sẽ tạo ra một cơ chế quản lý toàn diện. Để làm được điều này, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về những nội dung được và không được phép lên sóng; đồng thời, áp dụng các chế tài xử phạt chặt chẽ, công khai và nghiêm khắc.