Mới đây, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”. Từ một làng quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ, Tân Hóa đã từng bước khẳng định mình trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới bởi hướng đi, cách làm độc đáo, phù hợp.
Từ “làng lũ”…
Tân Hóa là xã miền núi nằm cách thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa khoảng 8km về phía Đông Nam. Ngôi làng được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, ở giữa là sông Rào Nan uốn lượn. Địa hình độc đáo này đã làm nên phong cảnh hữu tình với vẻ yên bình vốn có của một làng quê Trung bộ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thiên tai, đặc biệt là mỗi mùa mưa lũ. Vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hằng năm, mỗi khi xuất hiện những đợt mưa lớn, dài ngày, nước từ thượng nguồn đổ về gây lũ lớn làm ngập sâu làng Tân Hóa. Đáng nhớ nhất là trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hóa, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú tránh chờ nước rút. Từ đó, những cụm từ như: “rốn lũ”, “thung lũng đựng nước” được nhắc đến và gắn liền với Tân Hóa như là vùng đất gánh chịu nhiều tổn thương do thiên tai. Bà Trương Thị Được, người dân xã Tân Hóa kể lại: “Trận lũ lịch sử đã nhấn chìm toàn bộ nhà cửa, cây cối, hoa màu trong biển nước, lúc đó, chúng tôi chỉ biết ôm mặt khóc mà không thể xoay xở gì được”.
Để chung sống an toàn với lũ lụt, năm 2011, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao chống lũ. Bè phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phuy rỗng này mà bè phao nổi theo nước. Ban đầu, người dân chỉ kết bè và đặt tài sản quý giá lên trên, còn người thì lên núi dựng lán tránh lũ. Đến năm 2012, người dân cải tiến bè nổi thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa. Nhà nổi được cố định thông qua 4 cọc định vị ở 4 góc nhà, khi lũ lên, nhà cũng nổi lên theo nước. Do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây nhà nổi tránh lũ.
Từ năm 2012 đến 2020, thông qua cuộc đua “Thử thách Tú Làn”, Công ty Oxalis đã kêu gọi tài trợ được gần 200 ngôi nhà nổi với thiết kế khung bằng thép, tường và mái làm bằng tôn để chống dột khi mưa, giữ ấm khi có gió. Diện tích mỗi nhà được tăng lên thành 30m2, đủ phục vụ một gia đình có ít nhất 6 người cùng các nhu yếu phẩm, bảo đảm 100% hộ dân có thể thích ứng an toàn và sống chung với lũ. Đến tháng 10-2023, đã có hơn 620 căn nhà nổi được xây dựng cho người dân Tân Hóa từ kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước. “Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, lương thực, tài sản được đưa lên nhà nổi mỗi khi mưa lũ đến. Nhà nổi rất an toàn và chúng tôi yên tâm sinh sống trên đó trong nhiều ngày, thậm chí cả tháng”, ông Trương Xuân Bài, 72 tuổi chia sẻ.
Đến làng du lịch quốc tế
Được sự hỗ trợ của Công ty Oxalis, 10 hộ dân ở Tân Hóa đã cải tạo nhà nổi chống lũ thành không gian lưu trú thích ứng với thời tiết. Mỗi căn homestay được thiết kế khép kín với không gian rộng rãi và tiện nghi, diện tích 26-40m2, phù hợp cho 1-3 người ở, với số tiền đầu tư khoảng 150 triệu đồng, theo thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa Oxalis và chủ hộ. Anh Trương Xuân Hùng, chủ homestay Hùng Liên ở Tân Hóa cho biết: “Từ ngày homestay của gia đình mở cửa đón khách, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Nguồn thu của gia đình đã ổn định hơn, không còn bấp bênh như trước, con cái vì thế cũng có điều kiện đến trường, ăn học đàng hoàng”.
Cũng từ việc tham gia vào các hoạt động du lịch của Công ty Oxalis, cuộc sống người dân Tân Hóa cũng dần đổi thay, phát triển. Từng sống chủ yếu dựa vào rừng, công việc làm nông, nương rẫy, chăn nuôi gia súc… đến nay, người dân địa phương đã từng bước tham gia vào các hoạt động, làm chủ nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch ở Tân Hóa. Tính đến nay, đã có 120 lao động địa phương trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá hang động Tú Làn và tour trải nghiệm lái xe mô tô địa hình khám phá rừng lim với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis cho biết: “Sáng kiến xây dựng nhà phao chống lũ đã giúp người dân nơi đây dần thích ứng với điều kiện của thời tiết và bắt đầu tham gia vào các hoạt động du lịch. Từ đó, vùng đất này từng bước trở thành một cộng đồng du lịch bền vững, nơi mà du khách có thể trải nghiệm được nhiều dịch vụ khác biệt, mới mẻ hiếm làng quê nào có được”.
Được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, Tân Hóa đã từng bước cung cấp các trải nghiệm đa dạng từ homestay, làm nông, ăn uống tại nhà dân cùng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khác. Được trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà dân, ông Gianmarco D”alesandro, du khách đến từ Italy thích thú chia sẻ: “Đến đây, chúng tôi không chỉ được tìm hiểu văn hóa, con người Tân Hóa, cách họ thích ứng với thời tiết mà còn được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị riêng có”.
Việc Tân Hóa được UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới đã khẳng định quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và các đơn vị liên quan trong xây dựng Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng với thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình cho khu vực Đông Nam Á. Đây là một sáng kiến toàn cầu nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng, nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho những mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch. Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vui mừng cho biết: “Thật tự hào cho Việt Nam, Quảng Bình, Tân Hóa. Những nỗ lực của người dân Tân Hóa đã làm cho hình ảnh, thông tin, thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, mến khách, một Quảng Bình-điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là đưa sản phẩm du lịch của chúng ta xứng danh tầm vóc toàn cầu”.
Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 hứa hẹn đưa Tân Hóa trở thành điểm sáng du lịch phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, là “vệ tinh” của Phong Nha-Kẻ Bàng theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Thành công của Tân Hóa sẽ tạo ra hướng đi mới, khác biệt trong phát triển du lịch để các địa phương khác có những điều kiện tương đồng có thể tham khảo, áp dụng thành công”, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ.