Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, phiên thảo luận được chia thành 5 tổ thảo luận. Các đại biểu đã phát huy tinh thần thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm trong đánh giá kết quả đạt được và chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Quyết tâm đạt một thập kỉ tăng trưởng 2 con số
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều bày tỏ phấn khởi, đồng tình, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023. Theo đánh giá, mặc dù gặp những khó khăn, thử thách, song tiếp nối đà tăng trưởng hai con số trong 9 năm liên tiếp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng, kiên trì, nỗ lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Quảng Ninh đã giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, Tổ đại biểu Hạ Long, khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đạt kết quả tích cực, nổi bật toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành và vượt mức 12/12 chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số ổn định trong 9 năm liên tiếp và phấn đấu năm 2024 sẽ đạt 1 thập kỷ tăng trưởng trên 2 con số.
Các đại biểu bày tỏ ấn tượng về những bước chuyển lớn của tỉnh trong phát triển văn hoá – xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền… Đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban Văn hoá-xã hội (HĐND tỉnh), Tổ đại biểu Cẩm Phả, bày tỏ phấn khởi: Năm 2023, tỉnh ban hành kịp thời nhiều kế hoạch chiến lược, những quyết sách đúng, trúng nhằm đảm bảo nguồn lực trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Đặc biệt, tỉnh dành nhiều quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo, ưu tiên phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tỉnh đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và đã đáp ứng sự mong mỏi, hứng khởi, tự hào của người dân trong toàn tỉnh và sự quan tâm của nhân dân, du khách trong cả nước. Từ đó, góp phần khơi dậy sức mạnh, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023.
Trên cơ sở đánh giá thẳng thắn những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024 và thực hiện chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã yêu cầu cần phải dự báo đầy đủ những khó khăn, thách thức; đồng thời phải nắm bắt các cơ hội từ các lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, địa nhân văn của tỉnh mang lại cùng với những nguồn lực từ cảnh quan tự nhiên; từ ngân sách địa phương với quy mô ngày càng lớn; từ tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng có tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh để khai thác, sử dụng phát triển kinh tế tổng hợp; từ văn hóa, con người Quảng Ninh; từ khu vực kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân; từ hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên thông, tổng thể. Để tạo đột phá, cần phải đón bắt các xu thế mới: xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và xu thế đón bắt dòng khách chất lượng cao đến nghỉ dưỡng tại tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng bày tỏ quan tâm đến các giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2024, nhất là giải pháp giữ vững tăng trưởng; giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các sản phẩm du lịch sẵn có để thu hút khách du lịch; giải pháp về chăm lo cho con người, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo an ninh trật tự…
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu quan tâm đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ phải có tính khả thi cao, có khả năng triển khai thực hiện trong thực tế; cần đi kèm các giải pháp cụ thể và có đề xuất cơ chế, nguồn lực thực hiện.
Liên quan về chỉ tiêu nước sạch cho vùng nông thôn, đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư huyện Đầm Hà, Tổ đại biểu Đầm Hà, cho rằng: Để đạt được tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt trên 70% trong năm 2024 là một thách thức lớn. Do đó, cần phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đặt ra; cần nghiên cứu phương án bố trí nguồn lực để hỗ trợ kinh phí mua nước sạch cho người dân các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn.
Hiến kế xây dựng những quyết sách
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu thống nhất cao với các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp và cho rằng đó là những nội dung cấp thiết, quan trọng, đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH, QP-AN, an sinh xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2025.
Đại biểu Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, Tổ đại biểu TX Đông Triều, nhất trí với các chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2024 và đề nghị cần bàn sâu về giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2023. Đại biểu cho rằng: Công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cần được đặc biệt quan tâm trong triển khai nhiệm vụ KT-XH năm 2024. Trong đó, tập trung các giải pháp quyết liệt để đưa Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Qua đánh giá thực tế cho thấy, 10 nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết rất cụ thể nhưng chậm đi được vào cuộc sống. Nhiều chỉ tiêu phản ánh doanh nghiệp còn khó khăn như tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cao, nhiều dự án của doanh nghiệp còn vướng mắc các thủ tục, chưa xác định được nghĩa vụ tài chính dẫn đến khó khăn về thu ngân sách tiền đất và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách thu hút và hỗ trợ bác sĩ luân phiên thuộc tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2025. Các đại biểu cho rằng, những năm qua tỉnh luôn quan tâm phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh cũng coi trọng việc đầu tư phát triển ngành Y tế để từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Y tế Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ, thu được những thành quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như tình trạng thiếu hụt về nhân lực bác sĩ và chuyên gia giỏi; phân bổ bác sĩ hiện có của ngành không đều giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tuyến đơn vị y tế…
Thời gian tới, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện thì nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức của người dân cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn và mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng sàng lọc, phát hiện, điều trị sớm bệnh, tật. Dự báo tình hình thiếu hụt bác sĩ tại các đơn vị tuyến cơ sở và tình trạng mất cân đối về bác sĩ giữa vùng miền, giữa các tuyến trong hệ thống y tế của tỉnh sẽ trở lên nghiêm trọng hơn. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách thu hút và hỗ trợ bác sĩ luân phiên thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 là rất cần thiết và hữu ích; sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập về thiếu hụt và mất cân bằng nguồn nhân lực trong ngành Y tế của tỉnh.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (ngày 24/3/2021) của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu nhất trí với việc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn về phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là trồng mới rừng bằng các loài cây cung cấp gỗ lớn; chưa phát huy được giá trị của các loài cây lâm đặc sản trên lập địa rừng và đất rừng sẵn có; chưa có cơ chế hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông lâm kết hợp trong giai đoạn cây trồng chính chưa cho thu nhập…
Làm rõ hơn về nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc sở NN&PTNT, Tổ đại biểu Ba Chẽ, cho rằng: Từ thực tiễn triển khai các chính sách về phát triển rừng thời gian qua, việc xây dựng và ban hành nghị quyết nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn trên toàn tỉnh phục vụ phát triên công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng chế biến tinh, chế biến sâu hình thành chuỗi giá trị, tạo hàng hóa xuất khẩu. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của Nghị quyết số 19-NQ/TU và các chủ trương mới nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, chế biến sâu lâm sản; đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường và an sinh xã hội; từng bước thực hiện mục tiêu người trồng rừng cây gỗ lớn phải có cuộc sống tốt hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ…
Hơn 50 ý kiến tham gia trong phiên thảo luận tại tổ thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu HĐND cũng như đại diện các địa phương, đơn vị hiến kế những giải pháp thiết thực, hiệu quả, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026, xây dựng tỉnh Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.