Lễ hội là một bộ phận của di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh được cộng đồng sáng tạo, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hệ thống lễ hội phong phú và đặc sắc là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để cho Quảng Ninh phát triển kinh tế di sản.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 76 lễ hội dân gian truyền thống, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, tạo thành sản phẩm du lịch lễ hội hấp dẫn du khách. Một số lễ hội tiêu biểu có thể kể tới như: Lễ hội Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đền Bà Men, Lễ hội Tiên công…
Các lễ hội này có quy mô cấp tỉnh, thậm chí có quy mô đến cấp vùng hoặc cấp quốc gia, có những lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Tiên công, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng… Quảng Ninh có địa hình, không gian hội đủ 3 vùng đó là vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển đảo. Điều kiện địa hình như vậy đã tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa, cụ thể ở đây là lễ hội phong phú đa dạng với nhiều quy mô lớn nhỏ, khác nhau.
Về góc độ thời gian tổ chức, lễ hội ở Quảng Ninh cũng mang nét đồng điệu với lễ hội cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đó là các lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và gắn với nhịp điệu của sản xuất nông nghiệp xưa kia theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Thống kê lễ hội ở một số địa phương của Quảng Ninh cho thấy, lễ hội diễn ra vào mùa xuân chiếm 30/46 lễ hội. Trong khi đó, lễ hội diễn ra vào mùa hè có 12 lễ hội, xếp sau là mùa thu 2 lễ hội, mùa đông có 2 lễ hội.
Mùa xuân ở Quảng Ninh bên cạnh Lễ hội xuân Yên Tử kéo dài đến 3 tháng thì còn nhiều lễ hội đặc sắc khác, ngắn ngày hơn như Lễ hội Tiên công diễn ra từ ngày 4-7 tháng Giêng, trung tâm lễ hội tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, TX Quảng Yên. Lễ hội tưởng nhớ các vị Tiên công đã có công chiêu tập nhân dân khai khẩn đất đai và lập xóm làng trên đảo Hà Nam. Trong lễ hội có nghi lễ rước người để tưởng nhớ công ơn của các vị Tiên công đã khai phá vùng đất này.
Một điểm đặc sắc khác nữa là hầu hết các lễ hội như vừa nêu đều có gắn bó mật thiết với không gian biển. Theo thống kê, các lễ hội gắn với văn hóa biển chiếm số lượng và ưu thế vượt trội so với khu vực nội đồng. Điều này cũng dễ hiểu vì Quảng Ninh là vùng đất chịu sự chi phối và tác động nhiều bởi yếu tố biển, nên sinh hoạt văn hóa và lối sống của cư dân vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố biển, mà thể hiện sinh động là trong lễ hội cổ truyền. Các lễ hội ở vùng hải đảo chiếm 43%, tiếp đến là vùng ven biển chiếm 37%, lễ hội ở vùng nội đồng chiếm 20%.
Lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh là một phần của di sản văn hóa mà cộng đồng dân cư nơi đây tạo lập từ xưa. Việc khơi dậy tiềm năng của các lễ hội nêu trên kết hợp với các giá trị di sản khác sẽ trở thành nguồn lực văn hoá nội sinh và đem lại diện mạo mới, tạo nên thế mạnh trong phát triển kinh tế, cụ thể là du lịch lễ hội, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế dựa vào di sản kết hợp với ưu thế mà thiên nhiên ban tặng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đặt di sản lễ hội trong không gian văn hoá vùng Đông Bắc.
Điều quan trọng để phát triển kinh tế di sản thì lễ hội không thể đứng đơn lẻ, mà phải có kết nối hệ thống, kết nối vùng với các di sản khác và kết nối với các thực thể ngoài lễ hội. Đó là những yếu tố quan trọng để duy trì bản sắc và mở rộng không gian của di sản lễ hội. Chính vì vậy, để làm phong phú thêm các trải nghiệm, giúp du khách hòa mình vào các lễ hội cổ truyền, Quảng Ninh đã và đang xây dựng thêm các sản phẩm du lịch khác bổ trợ cho du lịch lễ hội. Đây là những hợp phần cấu thành nên bức tranh kinh tế di sản hoàn chỉnh ở Quảng Ninh, trong đó điểm nhấn là di sản lễ hội.
Trong sự kết nối lễ hội, Quảng Ninh ưu tiên hướng tiếp cận ra biển đảo, khai thác tiềm năng du lịch biển, phát huy tối đa lợi thế thiên nhiên ban tặng, trải nghiệm làm ngư dân, tham gia chế biến các sản phẩm từ biển, thưởng thức ẩm thực biển, phát triển các homestay trên các đảo, xây dựng các điểm check in trên các đảo…
Đồng thời, Quảng Ninh cũng tích cực phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh của lễ hội và nâng tầm thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để tích hợp vào phát triển kinh tế di sản, nhằm hiện thực hóa lộ trình biến di sản thành tài sản. Việc phát huy giá trị di sản lễ hội đã nhận được sự vào cuộc tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó coi trọng vai trò chủ thể của lễ hội là nhân dân. Một môi trường tốt, một mảnh đất lành đã được tạo lập ra cho lễ hội phát triển, để hướng tới khai thác tốt hơn giá trị của lễ hội với kinh tế di sản.