Những năm qua, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo hướng mở rộng quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế.
Ứng dụng khoa học công nghệ và chăn nuôi hữu cơ
Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) chăn nuôi bò quy mô lớn đạt tiêu chuẩn Global G.A.P (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững). Theo ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty, để đạt được tiêu chuẩn này, Côưng ty đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu xử lý chất thải được đầu tư các bể chứa và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực.
Nguồn thức ăn trong chăn nuôi được sử dụng hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên. Công ty đã trồng được 20ha cỏ voi, 12ha cây sắn, dự kiến mở rộng diện tích vùng trồng. Với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, Công ty phối hợp với các địa phương của TP Móng Cái vận động, tuyên truyền cho người dân chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ngô sinh khối, sắn, cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo cho hiệu quả chăn nuôi, chất lượng thịt bò sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn. Công ty hiện có đàn bò 7.074 con, đảm bảo nguồn cung chất lượng ra thị trường.
Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi lợn, như: Hệ thống chuồng kín; đèn sưởi; máng ăn tự động; máy tiêm, máy bấm răng nanh; gắn chíp điện tử thẻ tai; hệ thống mái áp chống nóng bằng tôn lạnh; hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động…, góp phần nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là đơn vị nuôi giữ giống lợn gốc của trung ương (150 con), hằng năm cung cấp khoảng 4.200 con nái bố, mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; đáp ứng cung ứng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm thịt lợn được công nhận sản phẩm OCOP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bán cho các siêu thị hoặc xuất bán quy mô lớn. Công ty đang mở rộng với quy mô trang trại giống hạt nhân; khu chăn nuôi lợn công nghệ cao; khu chăn nuôi gia cầm, bò và nhà máy sản xuất thức ăn, công suất 200-250 tấn/ngày.
Cùng với các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi, các địa phương trong tỉnh tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận.
Các địa phương chú trọng chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện, phù hợp với quy hoạch. Cụ thể: Khu vực đồng bằng phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm; khu vực ven biển phát triển thuỷ sản; khu vực trung du miền núi phát triển đàn gia súc. Trên địa bàn tỉnh hiện có các vùng chăn nuôi tập trung: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái, Đông Triều; vùng chăn nuôi gà tại huyện Tiên Yên; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 1.340ha. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh triển khai 15 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng KHCN để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất khép kín.
TX Đông Triều thời gian qua xác định chăn nuôi hiệu quả, bền vững không chỉ chuẩn hoá các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thiết kế chuồng trại, mà còn đảm bảo khâu vận hành sản xuất, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học, thú y, phòng chống dịch bệnh. Thị xã đã đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi. Các trại nuôi lợn trên địa bàn đã chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ để kiểm soát đầu vào với sự giám sát của ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Cùng với chuẩn bị giống, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định. Các hộ chăn nuôi lợn thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ hằng tuần; kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn để ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào chuồng trại. Đồng thời tích cực chăm sóc đàn lợn, phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin đối với các bệnh do virus…
Để nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, ước tính 11 tháng năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi toàn tỉnh tăng 3,6% so với năm 2022, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 58%. Tổng đàn trâu 25.980 con, đàn bò 30.125 con, đàn lợn 284.250 con, tăng 3,8% cùng kỳ năm 2022; đàn gia cầm 5.326.800 con, tăng 11,9% cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 90.398,1 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy, mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi chuyển biến rõ nét, nhất là về tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, đồng bộ trong sản xuất. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi đã được tăng cường trên mọi mặt.
Trong đó, công tác quản lý giống vật nuôi đã được các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung thực hiện. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) phối hợp với các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những quy định mới về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi theo quy định pháp luật. Đồng thời tích cực kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật ra, vào địa bàn. Qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như buôn bán, vận chuyển không có hồ sơ kiểm dịch hoặc có nhưng không hợp lệ, vận chuyển giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mặt khác, yêu cầu các tổ chức, cá nhân SXKD giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng, đủ các điều kiện về SXKD giống vật nuôi theo quy định.
Công tác vệ sinh tiêu trùng chuồng trại được các xã, phường chú trọng. 10 tháng năm 2023 các địa phương cấp phát trên 20.000 lít hóa chất, 50.000kg vôi bột để vệ sinh tiêu trùng khử độc; tiêu trùng khử độc tại gần 40.000 lượt hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Xác định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong nâng cao giá trị của chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nổi bật là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ…
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%), rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, lượng chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh ước tính 650 tấn/ngày đêm. Trong đó số ít được xử lý qua hệ thống biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường, tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo… Ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường. Đồng thời tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Tỉnh đẩy mạnh khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.