Những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh luôn làm tốt vai trò cầu nối giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; đa dạng các hình thức tổ chức và phương thức tập hợp, vận động để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo đồng thuận trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đa dạng hoạt động ở các địa phương
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương luôn có mô hình hay, cách làm sáng tạo, đưa chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, thúc đẩy thi đua, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Tiêu biểu phải kể đến MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện Ba Chẽ trong công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xoá bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Bên cạnh xây dựng các mô hình, phần việc; hằng năm MTTQ phối hợp với chính quyền huyện tổ chức các hội nghị gặp mặt biểu dương, khen thưởng các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo… Đến cuối năm 2023 Ba Chẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương, còn 21 hộ nghèo, 111 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Ba Chẽ là huyện đầu tiên trong nước có 200 hộ tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 72 triệu đồng/năm.
TX Quảng Yên là địa bàn sôi động với nhiều KCN, nhiều dự án đầu tư. 6 tháng đầu năm 2024 thị xã thực hiện GPMB 31 dự án. Riêng phường Yên Giang thực hiện 3 dự án lớn, thu hồi trên 20ha đất, 255 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Phát huy vai trò vận động nhân dân thực hiện công tác GPMB, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phường Yên Giang tuyên truyền, thông tin đầy đủ chính sách, những quy định của pháp luật về đơn giá bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng; giám sát việc niêm yết công khai trong bồi thường GPMB… MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phường phối hợp với các phòng, ban tổ chức 2 cuộc họp công khai quy hoạch, kiểm kê, kiểm đếm bổ sung; 18 cuộc đối thoại, tuyên truyền, vận động, trao đổi, thuyết phục đối với các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng… Đến tháng 6/2024 phường đã giải phóng, bàn giao 4,13ha đất nông nghiệp, 614m2 đất ở cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên
MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân. Đồng thời chú trọng phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên luôn chủ động, trách nhiệm trong việc lấy ý kiến tham gia đối với các văn bản của Đảng, các dự án luật trình Quốc hội, các chương trình, dự án, đề án của trung ương và của tỉnh. Phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã chủ động phối hợp đề xuất tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với đoàn viên, hội viên và nhân dân theo định kỳ và đột xuất; giám sát hoạt động giao ban giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với bí thư chi bộ – trưởng thôn (bản, khu phố), trưởng ban công tác mặt trận…
Hoạt động giám sát được Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị – xã hội triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó đã kiến nghị để các cấp, ngành có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, ổn định xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức và hoàn thành 2.720 chương trình giám sát trên tất cả các lĩnh vực.
MTTQ các cấp còn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nắm chắc tình hình cơ sở, tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và địa phương, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; xây dựng gia đình văn hóa; tham gia bảo vệ môi trường…
Đến hết năm 2023 có 98/98 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM; tỉnh hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch; là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh (cao hơn 1,4 lần mức cả nước).
MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, người Quảng Ninh trong nước và ở nước ngoài đoàn kết, chung sức xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.