2 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 5,7%; PMI tháng 2/2024 cũng trên ngưỡng 50 điểm…Đây được coi là tín hiệu tốt đối với ngành sản xuất Việt Nam.
Ngành sản xuất tháng 2/2024 – 3 điểm nổi bật
Theo các chuyên gia của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng 2 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp.
S&P Global vừa công bố Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2024. Báo cáo đưa ra 3 điểm nổi bật: Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục cải thiện hỗ trợ tăng việc làm; giá cả đầu ra tăng sau khi giảm trong tháng 1/2024; tâm lý kinh doanh đạt mức cao của một năm.
Báo cáo chỉ ra, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng 2/2024 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của một năm.
Tuy nhiên, các công ty tiếp tục giảm hoạt động mua hàng, và thay vào đó là dùng hàng tồn kho để phục vụ sản xuất và đáp ứng các đơn hàng. Trong khi đó, các công ty cũng đã tăng giá bán hàng để bù đắp mức tăng của chi phí đầu vào, mặc dù chỉ là nhỏ.
S&P Global cho biết, PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 50,4 điểm trong tháng 2/2024, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1/2024 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. “Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất thể hiện thông qua chỉ số vẫn chỉ là nhẹ”, S&P Global nhận định.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp và một số người trả lời khảo sát cho rằng, nguyên nhân khiến tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng là do số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã chậm lại, và mức tăng chỉ là nhẹ.
Phù hợp với bức tranh của số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng được ghi nhận tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 2/2024. Mức tăng kỳ này là nhẹ và hầu như ngang bằng với mức được ghi nhận trong tháng 1/2024. Sản lượng tăng ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản, nhưng giảm ở lĩnh vực hàng hóa trung gian.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong 4 tháng, và mức tăng là cao nhất trong thời gian một năm.
Tại một diễn biến khác theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số chỉ số sản xuất toànngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,9%), đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số IIP 2 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,6%.
Giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng
Bình luận về chỉ số PMI tháng 2/2024 của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, các nhà sản xuất đã có thể dựa vào sự tăng trưởng trở lại trong tháng Một với đà tăng trưởng tiếp tục trong tháng 2/2024. Các yếu tố đặc biệt tích cực của kỳ khảo sát PMI mới nhất là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm.
Các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: EuroCham, KorCham đều cho rằng, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã tăng trở lại cùng với thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp. Đây là những tín hiệu khả quan về tăng trưởng cho quý đầu năm nay.
Ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay, từ cuối năm ngoái chúng tôi nhận định sẽ có nhiều khó khăn trong đầu năm nay, nhưng đến nay niềm tin các nhà đầu tư châu Âu tăng lên khi các đối tác lâu năm, truyền thống vẫn giữ đơn hàng và coi Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng năm 2024 và ổn định đời sống kinh tế – xã hội nhất là tạo đà cho ngành sản xuất phục hồi tích cực, giữ nhịp tăng trưởng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tập trung tăng tốc sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, ổn định vĩ mô.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 168 nhiệm vụ cụ thể; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.
Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp tại các địa phương, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2024, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.