Dòng phim chữa lành lan tỏa thông điệp nhân văn, hướng đến sự tích cực, tươi sáng qua các câu chuyện nhẹ nhàng đang là xu hướng được khán giả Việt yêu thích.
Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” do Lý Hải đạo diễn, chính thức ra rạp Việt từ ngày 26-4. Đến nay, phim đã thu được hơn 464 tỉ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam – trang thống kê doanh thu phòng vé Việt độc lập).
Tạo ấn tượng với khán giả
Với doanh thu này, “Lật mặt 7: Một điều ước” đã vượt phim “Nhà bà Nữ” (thu 459 tỉ đồng) do Trấn Thành đạo diễn, giữ vị trí thứ 2 trong danh sách phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất. Hiện tại, phim “Mai” của Trấn Thành đang đứng đầu danh sách với doanh thu hơn 551 tỉ đồng. “Lật mặt 7: Một điều ước” vẫn đang trụ rạp và nhà sản xuất vừa công bố tác phẩm bắt đầu chiếu trên thị trường quốc tế từ ngày 14-6.
“Lật mặt 7: Một điều ước” kể câu chuyện về gia đình bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền đóng) và 5 người con: Hai Khôn (Trương Minh Cường), Ba Lành (Đinh Y Nhung), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh), Sáu Tâm (Trần Kim Hải). Khi các con lớn, có gia đình riêng, sống ở những tỉnh, thành khác nhau, bà Hai ở cùng mẹ con Ba Lành.
Tuy nhiên, biến cố bất ngờ đã xảy ra, bà Hai bị tai nạn chân nghiêm trọng. Ba Lành phải ở bệnh viện chăm sóc con gái trong lúc những người con khác đều đang vướng bận mưu sinh, khó có thể trở về chăm lo mẹ già. Họ quyết định để bà Hai làm một chuyến du lịch, lần lượt đến thăm từng gia đình con mình để xoay vòng thay nhau chăm sóc mẹ. Trong chuyến đi, bà Hai hiểu rõ hơn gia cảnh của từng người con và những người con cũng hiểu rõ hơn về tình thương bao la trời biển của mẹ. Tình mẫu tử của bà Hai đã góp phần chữa lành những khúc mắc, rắc rối trong gia đình mỗi người con.
Thông điệp nhân văn trong phim kết hợp với sự gần gũi, đời thường khiến mọi người đều nhìn thấy bản thân mình trong đó, đây cũng là nguyên nhân khiến phim thu hút khán giả. “Một bộ phim có nhiều nhân vật nhưng không nhân vật nào thiếu cảm xúc, tất cả hòa hợp với nhau. Người mẹ trong phim làm cho khán giả xem xong cảm thấy thương mẹ, thương nội, thương những người phụ nữ đã chăm sóc, yêu thương mình…!” – YouTuber Phúc Drama nhận xét.
Nhiều khán giả bình luận: “Phim nhiều cảm xúc, chữa lành, không có nhân vật phản diện, có khóc nhưng cũng có cười, rất hay”; “Phim nhẹ nhàng nhưng tình cảm sâu sắc, phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay nên cảm xúc dễ dàng chạm đến trái tim khán giả. Một cái kết hướng đến sự tích cực, không bi lụy, rất chữa lành!”; “Phim tổng thể hài hòa, lấy được nước mắt khán giả”…
Dễ mà khó
Dòng phim chữa lành (healing) đã được các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… thực hiện nhiều và cũng có không ít tác phẩm của họ chinh phục được khán giả Việt Nam. Đó là các phim: “Reply 1997”, “Reply 1994”, “Reply 1988”, “Khi hoa trà nở”, “Những bác sĩ tài hoa” (phần 1, 2), “Điệu cha cha cha làng biển”, “Mùa hè yêu dấu của chúng ta”, “Blues – nơi đảo xanh”… Dòng phim này hướng đến sự tươi sáng, tích cực, lan tỏa thông điệp nhân văn qua câu chuyện nhẹ nhàng, không nhiều cao trào, kịch tính nhưng thu hút nhờ sự gần gũi, đời thường.
Trước khi “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải “làm mưa làm gió” màn ảnh rộng, phim Việt cũng đã có một số phim chữa lành như: “Không ngại cưới chỉ cần một lý do”, “Đừng làm mẹ cáu”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Những phim này đều tạo được sức hút riêng, khán giả yêu thích, lượng người xem trong lúc phát sóng cao. Gần đây, một số nhà biên kịch cho biết các công ty sản xuất phim truyền hình đã bắt đầu đặt hàng những phim chữa lành, nhẹ nhàng, giảm kịch tính.
“Phim chữa lành có nội dung thường nhẹ nhàng so với các dòng phim khác nên kịch bản phải khai thác hướng khác biệt, đi sâu tâm lý nhân vật, diễn viên đòi hỏi hợp vai và diễn tốt, khiến khán giả tin vào nhân vật, câu chuyện được kể và chạm được cảm xúc của họ. Nếu câu chuyện không chạm được cảm xúc, khán giả sẽ không tin và dần chê phim nhàm chán. Đây là việc dễ mà khó!” – nhà biên kịch Kim Ngọc phân tích.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng nhà làm phim nào cũng muốn tạo ra tác phẩm hướng thiện, chữa lành, nhân văn nhưng làm được và chinh phục được khán giả hay không lại là chuyện khác. Những câu chuyện về gia đình, tình thân, bạn bè… đều hiển hiện trong cuộc sống nên không thiếu đề tài nhưng góc nhìn cùng cách kể sao cho khác biệt, hấp dẫn, không rơi vào cảnh dễ đoán, nhàm chán đòi hỏi tài năng của nhà biên kịch, đạo diễn và cả diễn viên. Ngoài ra, phần xây dựng nhân vật với lời thoại, lớp lang, tình tiết cũng cần cân nhắc để tuy không kịch tính, nhiều cao trào nhưng vẫn hấp dẫn, mới lạ.