Những dự án phim “dài dằng dặc” về gia đình liên tục lên sóng kể từ “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Hương vị tình thân”, “Thương ngày nắng về”… Gần nhất là, “Gia đình mình vui bất thình lình” hơn 50 tập. Tuy nhiều phim bị chê khai thác những câu chuyện cũ, tình tiết lê thê, rườm rà, nhưng vẫn có sức hút với số đông khán giả.
Lý giải sức hút của dòng phim gia đình, NSND Lê Khanh cho rằng, khán giả khi xem phim sẽ bắt gặp câu chuyện của chính mình trong đó, hoặc các dự án phim gia đình đều đang đặt ra những đề tài mà rất đông khán giả quan tâm xung quanh mâu thuẫn gia đình, hôn nhân.
Diễn viên Quách Thu Phương cho biết: “Tôi cũng là một khán giả trung thành của dòng phim gia đình. Khi xem phim, tôi khóc cười cùng nhiều số phận. Ở đâu đó trong dàn nhân vật, có câu chuyện của tôi, có câu chuyện của bạn bè tôi, hoặc giống những chuyện tôi đã từng nghe về hôn nhân. Riêng với đời sống hôn nhân, chuyện ngoại tình, tiểu tam… sự thật ngoài đời còn khốc liệt hơn phim”.
Dàn diễn viên giờ vàng cho rằng, dù cách khai thác, đặt để tình huống còn chưa đắt, nhưng đội ngũ biên kịch đã nỗ lực tiếp cận những vấn đề gia đình đang được khán giả quan tâm nhất, bàn luận nhiều nhất và có sức hút nhất từ trên các diễn đàn mạng xã hội đến thực tế đời sống.
Có 3 câu chuyện được khai thác lặp đi lặp lại ở các phim gia đình nhưng vẫn được khán giả quan tâm đó là: ngoại tình – “tiểu tam”, ly hôn và mâu thuẫn giữa các thế hệ.
Ngoại tình, người thứ 3 và hôn nhân đổ vỡ
Hầu như bộ phim gia đình nào, yếu tố “ngoại tình”, “tiểu tam”, cũng được khai thác triệt để, tạo ra chuỗi tình huống “drama” kịch tính. Hầu hết những tình tiết này đều có sức hút với khán giả, phân đoạn “chính thất” đi đánh ghen, dằn mặt “tiểu tam” luôn được chia sẻ rầm rộ.
Đạo diễn – NSND Trọng Trinh từng phân tích, đối tượng khán giả chủ yếu của dòng phim giờ vàng rơi vào khoảng 25-40 tuổi. “Đây là những người đang phải đối mặt với sự thay đổi chóng mặt và ngày càng phức tạp của đời sống thời 4.0, thời mạng xã hội phát triển bùng nổ. Khi mạng xã hội kết nối con người quá dễ dàng, sẽ nảy sinh những biến động trong đời sống tình cảm, hôn nhân. Chuyện ngoại tình, tiểu tam, người thứ 3 được phơi bày trên mạng mỗi ngày. Rất nhiều người trong chính chúng ta đã chịu tổn thương, đã chịu đau khổ và phải xử lý tình huống bị phản bội, bị kẻ thứ 3 tranh đoạt hạnh phúc… Khi ngoại tình là “vấn nạn” nhức nhối ở ngoài xã hội, sẽ tất yếu bước lên màn ảnh”.
“Nhìn ra xung quanh, tôi thấy tỉ lệ ly hôn ngày càng lớn. Cảm giác bây giờ, người ta quá dễ dàng trong việc quyết định ly hôn. Nhiều cặp đôi vừa cưới chưa bao lâu đã đưa nhau ra tòa. Tôi cảm nhận, không khí tiêu cực bao trùm đời sống bởi ai cũng giữ cái tôi lớn, sự nhường nhịn ít đi, chưa kể ai cũng phải gánh chịu rất nhiều áp lực về kinh tế, về sự biến động dễ dàng trong tình cảm…” – diễn viên Quách Thu Phương nói.
Khi phim ảnh tái hiện được sự phức tạp trong đời sống hôn nhân hiện đại sẽ thu hút được đối tượng khán giả đang phải đối diện trực tiếp với những vấn đề này, và cả những khán giả chuẩn bị kết hôn hay đang nghĩ đến ly hôn.
Mâu thuẫn giữa các thế hệ
Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong cùng một gia đình, giữa ông bà – con cháu, giữa bố mẹ – con cái cũng tích cực được khai thác.
Thế hệ đã có sự phân chia ngày càng rõ nét về suy nghĩ, quan điểm, cách sống. Nếu ông bà thích hoài cổ, mê nghe chèo, cải lương, con cháu gen Z lại mê nhạc điện tử, thích mạng xã hội… Bộ phim “Bà nội không ăn pizza” – từng thể hiện rõ nét khoảng cách lớn về suy nghĩ, sở thích giữa các thế hệ trong gia đình.
Thời đại sống của mỗi thời mỗi khác, kéo theo những biến động trong tư duy, tình cảm, góc nhìn. Việc khai thác sự khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau trong cách nghĩ, cách sống giữa các thế hệ trong gia đình ở nhiều bộ phim cũng tạo nên sức hút với khán giả…