Từ nguồn lực đầu tư của tỉnh, nhiều công trình hạ tầng cho vùng khó như giao thông, điện, nước sinh hoạt… đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Qua đó tạo sức bật cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, công trình đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) mang ý nghĩa lớn với gần 900 hộ dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Công trình có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, do UBND huyện Tiên Yên làm chủ đầu tư. Công trình nước sạch đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao của xã, tạo ra động lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Bà Đặng Thị Bình (thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ) cho biết: “Trước đây người dân chúng tôi sử dụng nước khe, suối để sinh hoạt. Mùa mưa thì đủ dùng, mùa khô thì gần như nhà nào cũng thiếu nước. Giờ bà con được nước sạch đến tận nhà, chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm”.
Xác định hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế ở vùng cao, bằng vốn ngân sách tỉnh và địa phương, huyện Đầm Hà đã đầu tư nhiều công trình giao thông. Tiêu biểu như dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm, dài trên 7,5km, kinh phí 100 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2023, đã khắc phục tình trạng đi lại khó khăn, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế của xã.
Ông Chíu Sáng Phát (bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm) phấn khởi chia sẻ: Tuyến đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm trước đây là đường đất, được cải tạo thành đường bê tông cấp phối. Tuy nhiên, sau nhiều năm đường xuống cấp, người dân đi lại khó khăn, giao thương gặp nhiều trở ngại. Vì thế khi tuyến đường được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, người dân vui mừng lắm. Đi lại thuận tiện hơn, giá bán keo, quế, nông sản cũng tăng lên đáng kể.
Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn lực đầu tư các trường học cho vùng DTTS, miền núi, biên giới. Được đi vào hoạt động từ tháng 9/2023, Trường THPT Bình Liêu có tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng với hệ thống các phòng học, nhà đa năng hiện đại, khang trang. Công trình không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đem lại niềm vui lớn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của huyện, kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Em Lương Minh Thư (Lớp 10A4, Trường THPT Bình Liêu) nói: “Chúng em rất vui vì Trường được xây dựng khang trang, rộng đẹp, có thêm các phòng đa năng, giúp chúng em có một môi trường học tập tốt hơn”.
Với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2023 tỉnh đã bố trí ngân sách tỉnh trên 2.430 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách huyện bố trí gần 1.800 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kinh tế – xã hội vùng khó của tỉnh. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân, thu nhập bình quân người dân vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/năm; văn hóa xã hội và môi trường có nhiều tiến bộ; dân chủ cơ sở được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.