Sau 10 năm kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược, với sự đoàn kết, thống nhất, kế thừa và trách nhiệm, Quảng Ninh đã khẳng định được vị thế mới của mình trong khu vực và cả nước, là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện phía Bắc với nhiều dấu ấn nổi bật. Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn vững bước triển khai hiệu quả 3 đột phá chiến lược với những đột phá mới.
Đồng bộ hạ tầng, nền móng dẫn dắt sự phát triển
Đánh giá kết quả nổi bật của Quảng Ninh tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra vào tháng 2/2023, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Quảng Ninh là tỉnh điển hình trong thu hút nguồn lực phát triển đồng bộ mạng lưới GT-VT, tạo liên kết vùng và quốc tế, nhờ đó tỉnh là một trong những địa phương có sự phát triển bứt phá, thành công nhất trong thu hút nguồn lực đầu tư, trở thành điểm sáng cả nước. Những bài học, kinh nghiệm của Quảng Ninh đó là hiệu quả trong tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển. Quảng Ninh thành công cũng bởi tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, đa dạng nguồn lực để phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông…
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, đến nay tỉnh đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020-2025.
Đặc biệt, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đã đảm bảo mục tiêu tăng bình quân 10,2%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết tăng trên 10%/năm) với tổng vốn dự kiến hết năm 2023 đạt gần 300.000 tỷ đồng. Quảng Ninh hiện sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Để có được những kết quả này ngay cả trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện, tỉnh đã mạnh dạn triển khai nhiều kế hoạch phát triển trong tình hình mới, ưu tiên cao nhất công tác phòng, chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19, giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, linh hoạt, chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định vai trò, vị trí là cực tăng trưởng của phía Bắc.
Tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Song song với đó, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược thông qua việc ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu…; hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi được tỉnh quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực, qua đó, đã phát huy hiệu quả và tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hoá. Các dự án không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền trong tỉnh mà còn tăng cường liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉnh trang hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Đến nay, tỉnh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều)… Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 68,5%, cao hơn 0,3 điểm % so với năm 2020, bám sát mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 75%. Hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển cũng được quan tâm, đầu tư tổng thể, đồng bộ, hiện tỉnh đã đưa vào khai thác, sử dụng Bến cảng cao cấp Ao Tiên; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế. Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy đầu tư Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh, cảng hàng lỏng Yên Hưng và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư Cảng Hòn Nét – Con Ong…
Hạ tầng KKT, KCN cũng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Các hạ tầng khác như CNTT, viễn thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao… được tỉnh quan tâm hoàn thiện đồng bộ. Đến nay hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử và nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Quảng Ninh cũng đã hoàn thành Bệnh viện Lão khoa, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, trung tâm y tế tuyến xã. Đồng thời đầu tư Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh… đảm bảo hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng y tế xã hội từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Với những công trình hiện hữu, cách làm hiệu quả, năm 2022 Quảng Ninh đứng đầu trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Điều này sẽ là nền móng quan trọng để tỉnh tiếp tục thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, kế hoạch mới trong tầm nhìn dài hạn.
Tạo dựng niềm tin từ cải cách hành chính
Năm 2022, năm thứ 6 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đây cũng là lần thứ 2 tỉnh xuất sắc đứng đầu ở 4 bộ chỉ số: PCI, PAR Index, PAPI và SIPAS. Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển KT-XH; khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào…
Có thể thấy rằng, hành trình chinh phục đỉnh cao các chỉ số đã trở thành thương hiệu của Quảng Ninh, việc duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 6 năm qua đã hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và nhân dân đối với tỉnh. Để có được điều này, trong thực hiện 3 đột phá chiến lược mà trọng tâm là cải cách hành chính, Quảng Ninh luôn xác định phương châm hành động đó là “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”. Từ đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”.
Tỉnh cũng tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, xây dựng văn hóa giàu bản sắc. Đồng thời mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Đến nay tỉnh đã hoàn thành kết nối Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một trong các địa phương chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” để triển khai thực hiện Đề án 06; 100% TTHC đủ điều kiện (tương ứng 1.017 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tổ chức triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành. Đồng thời hoàn thành xây dựng đồng bộ các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số, triển khai đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc.
Với những cách làm hiệu quả, nhiều năm qua Quảng Ninh được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và lựa chọn với mong muốn phát triển bền vững và thịnh vượng. Dòng vốn đổ về tỉnh tăng đều qua từng năm. Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút mới 26 dự án FDI với số vốn đăng ký 3.614,5 triệu USD. Riêng năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất nước với tổng vốn 2,186 tỷ USD (tương đương trên 51.777 tỷ đồng). Đây cũng là kết quả của cả một hành trình nỗ lực, trong đó nhân tố con người là quan trọng nhất, then chốt nhất để tạo dựng niềm tin vững chắc, lâu dài đối với nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp.